Thị trường giao dịch chậm
Theo khảo sát của MarketTimes, tuần qua ( từ ngày 20 – 26/6), giá lúa gạo duy trì sự ổn định đến gần cuối tuần có sự biến động ở một vài địa phương.
Giá lúa gạo hôm nay ( 27/6), thị trường giao dịch chậm. Cụ thể:
Ở trong nước, giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định, tuy nhiên có một vài địa phương ghi nhận sự giảm giá ở một số loại lúa so với tuần trước.
Tại An Giang, hiện lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua ở mức 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa IR 504 đứng ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; Đài thơm 8 có giá 5.600 – 6.000 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg; lúa tươi OM 18 có giá 5.800 – 5.900 đồng/kg; nàng hoa 5.900 đồng/kg; IR 504 (khô) 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg.
Tại Cần Thơ vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Tại Hậu Giang giá lúa có sự tăng/giảm tùy loại so với tuần trước như: IR 50404 là 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; trong khi đó OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; RVT là 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Đồng Tháp ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại lúa như: IR 50404 còn 6.400 đồng/kg, OM 6976 còn 6.400 đồng/kg.
Giá gạo trong nước tuần qua tương đối ổn định.
Tại Bến Tre, giá lúa cũng ghi nhận giảm 100 đồng/kg ở một số loại, như: IR 50404 còn 5.600 đồng/kg, OM4218 là 5.700 đồng/kg; riêng OM 6976 vẫn giữ ổn định là 5.900 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 - 8.45,0 đồng/k; gạo thành phẩm 8.800 – 8.900 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400 đồng/kg, cám khô giữ ở mức 8.900 – 9.100 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Đối với thị trường xuất khẩu gạo, cuối tuần qua thị trường gạo thế giới chứng kiến một cuộc đảo lộn lớn khi gạo Thái Lan tụt dốc không phanh, gạo Việt Nam giảm 5 USD/tấn còn gạo Pakistan vươn lên đứng đầu thế giới.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dẫn nguồn từ Oryza cho biết: Giá gạo trắng 5% tấm Pakistan đang ở mức 420 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất thế giới so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Gạo Pakistan, trước đây luôn thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu gạo kể trên đã liên tục tăng giá trong khoảng một tháng qua. Hồi trung tuần tháng 6, gạo 5% tấm Pakistan đã tăng 30 USD/tấn so với đầu tháng và đạt mức 408 USD/tấn.
Giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan cũng đi xuống do áp lực giảm giá của đồng rupee Ấn Độ và đồng baht Thái.
Với gạo Việt Nam, hiện giá chào bán gạo xuất khẩu chững lại và đi ngang sau phiên biến động trái chiều. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn.
Trước những biến động trên, gạo Việt Nam vẫn ổn định xuất khẩu và giá dao động nhẹ theo diễn biến chung của thị trường. Đây có thể xem là điều tích cực của thị trường lúa gạo Việt Nam trong nửa tháng đầu năm nay.
Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới vẫn sôi động
Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào nửa cuối năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
Theo cam kết Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, bởi không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.
Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Tại Bắc Âu, nhu cầu nhập khẩu của khu vực lên đến 1,8 triệu tấn gạo xay xát khi họ không tự túc được gạo, mà chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Triển vọng đến năm 2030, nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng khoảng 250.000 tấn. Đây là lý do thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.