Theo số liệu của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9 và tăng gần 26% so với tháng 10/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 747 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng 9 và tăng 18,5% so với tháng 10/2021.
Suy giảm mạnh ở thị trường Hoa Kỳ và EU
Trong bức tranh xuất khẩu gỗ năm nay cho thấy, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng rất mạnh. Trong 10 tháng, xuất khẩu viên nén đạt kim ngạch hơn 603 triệu USD; tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với dăm gỗ, năm 2021 xuất khẩu đem về 1,7 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu dăm gỗ đã đạt gần 1,8 tỷ USD, đang vượt xa kim ngạch của cả năm ngoái. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ thiết lập kỷ lục hơn 2 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu dăm gỗ và viên nén chủ yếu là khu vực châu Á, do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh các quốc gia này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Các thương nhân Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam không chỉ phục vụ cho ngành sản xuất giấy của nước này, mà còn làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất viên nén ở Trung Quốc.
"Trong 10 tháng, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 87,93% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ), giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, trị giá xuất khẩu đồ gỗ sang EU sau 10 tháng năm 2022 cũng chỉ đạt 784 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước".
Theo Bộ Công Thương.
Trái ngược với sự tăng trưởng ngoạn mục của dăm gỗ và viên nén, xuất khẩu đồ gỗ 10 tháng chỉ tăng nhẹ, với kim ngạch 9,3 tỷ USD, tăng 2,7%. Xuất khẩu đồ gỗ đến các nước châu Á vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, nhờ vậy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á trong 9 tháng năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021
Nhiều năm qua, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chủ yếu tới khu vực châu Mỹ và EU, trong đó Hoa Kỳ chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch ngành gỗ trong năm 2021. Thế nhưng trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh, chỉ còn chiếm 53% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Điển hình như đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022 xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 87,93% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ), giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, trị giá xuất khẩu đồ gỗ sang EU sau 10 tháng năm 2022 cũng chỉ đạt 784 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng không chỉ ở Hoa Kỳ, mà lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đồ gỗ.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt, cho biết các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, sản phẩm tồn kho ngày càng nhiều. Cụ thể, đơn hàng quý 3 của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40-50%, sang quý 4 còn sụt giảm hơn và hiện vẫn chưa có đơn hàng cho năm mới.
Quay về thị trường nội địa cũng không dễ
Ông Phùng Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng tại TP.HCM, chia sẻ rằng thời gian gần đây, công ty đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, hai thị trường này ít bị ảnh hưởng bởi biến động lạm phát kinh tế từ các quốc gia EU và Hoa Kỳ. Dù đây là giải pháp tình thế nhưng giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, nhà máy và giữ chân người lao động trong ngành chế biến gỗ.
Bên cạnh việc chuyển dịch sang Nhật Bản, Hàn Quốc thì Trung Quốc cũng là thị trường được các doanh nghiệp trong nước cố gắng khai thác dư địa tăng trưởng bởi là một trong năm thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và trong những năm gần đây luôn đứng ở vị trí thứ hai 2 hoặc thứ ba về kim ngạch.
"Trong 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 13,2%, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái",
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch HAWA, lâu nay, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ lực nên mỗi khi các thị trường này có biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay lập tức bị ảnh hưởng.
Do đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị… để tăng sức cạnh tranh hàng hóa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang có xu hướng quay về thị trường nội địa bởi nhu cầu tiêu dùng của thị trường này vẫn còn bỏ trống. Hiện người tiêu dùng nội địa ngày càng có nhu cầu lớn trong trang trí nhà cửa, văn phòng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Liêm, việc quay về thị trường nội địa là giải pháp ngắn hạn và không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được bởi thị hiếu tiêu dùng nội địa khác thị trường xuất khẩu, dây chuyền sản xuất cho hàng xuất khẩu cũng có sự khác biệt với các đơn hàng nội địa.
“Nhu cầu thị trường nội đia tuy lớn nhưng sản phẩm nhỏ lẻ, thị hiếu mỗi người khác nhau nên khi chuyển về thị trường nội địa không thể “một sớm một chiều” là làm ngay được”, ông Liêm nhận định.
Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, thì ách tắc trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn. Ước tính, số tiền VAT mà hàng trăm doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn đến nay đã lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp gửi hồ sơ đã 5 tháng mà chưa được hoàn thuế. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022.
Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là do có sự không nhất quán giữa Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản.
Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có Công văn 107/HHG-VP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn VAT.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Doanh nghiệp tôi đang tồn kho 800 m3 gỗ ghép thanh do các đơn hàng giảm mạnh và thậm chí đến thời điểm này là không có. Không còn cách nào khác, Tân Thành Phú đành cắt giảm 80% lao động, chỉ giữ lại một nhóm nhỏ lao động duy trì hoạt động của dây chuyền chế biến dăm gỗ.
Hiện doanh nghiệp chúng tôi vẫn đang cố chờ đến khi thị trường khởi sắc, tuy nhiên, khi đó, doanh nghiệp lại đối diện với bài toán nguyên liệu đầu vào. Bởi lẽ, hiện nay, trong khi mặt hàng gỗ ghép thanh tụt giảm thê thảm thì dăm gỗ đang “hút hàng”. Nếu tình hình dăm gỗ tiếp tục tăng giá và chiếm lĩnh nguyên liệu của phôi xuất khẩu thì viễn cảnh sắp tới mà doanh nghiệp gặp phải sẽ là không có phôi nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Bà Lưu Phụng Linh Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú (Quảng Ngãi)