Việt Nam là một trong những nước mở cửa sau đại dịch sớm nhất. Quá trình phục hồi của doanh nghiệp Việt diễn ra ngay sau đó rất nhanh chóng với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực nhiều bên. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải đối diện với một số thách thức toàn cầu, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thói quen và nhu cầu mua sắm trực tuyến sau đại dịch.
Thương mại xuyên biên giới tăng trưởng mạnh
Tại buổi gặp gỡ truyền thông giữa tháng 4/2023, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng: 2-3 năm đại dịch cũng là một minh chứng thuyết phục về lộ trình cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển đổi mô hình kinh doanh: từ offline sang online, từ sản xuất, gia công sang xây dựng và làm chủ thương hiệu.
"Để giảm bớt các chuỗi trong quá trình xuất khẩu, giúp tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động khó lường của môi trường kinh doanh, thương mại điện tử đang dần trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam", ông Gijae Seong khẳng định.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương công bố, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 20% trong năm 2022. Đặc biệt, 82% doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất nhập khẩu. Sự bùng nổ thương mại điện tử thời gian gần đây đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đi liền với nhiều chính sách, cập nhật mới cho ngành thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, báo cáo của Alphabeta về thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy, tiềm năng lớn về quy mô tăng trưởng tại Việt Nam trong 5 năm tới với tốc độ hơn 20%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt qua Amazon năm 2022 tăng 45%. Dù tốc độ tăng trưởng rất khả quan, dư địa xuất khẩu online vẫn còn rất lớn khi mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ba xu hướng xuất khẩu online 2023
Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong thập kỷ tới, 70% giá trị kinh tế mới sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ kỹ thuật số. Nền kinh tế số và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy bình đẳng và tạo ra các giá trị mới trong mọi lĩnh vực. Sau đây là một số xu hướng và thay đổi được dự đoán có thể diễn ra trong năm 2023 đối với hoạt động xuất khẩu online của Việt Nam.
Một là, thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất khẩu online sẽ là một phong trào, một “bình thường mới” cho doanh nghiệp Việt Nam và dần trở thành một động lực mạnh mẽ của nền kinh tế xuất khẩu.
Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”. Đề án đặt mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối hàng hóa toàn cầu, tối ưu hóa các kênh phân phối quốc tế, phát huy thế mạnh quốc gia, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Đối với nền thương mại điển tử lấy khách hàng làm trung tâm ngày nay, việc doanh nghiệp có thể nắm bắt thị hiếu khách hàng và đáp ứng các thay đổi nhanh của người tiêu sẽ là chìa khoá thành công. Bên cạnh đó, thương mại điện tử tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh mới khi người tiêu dùng có thể chủ động tìm kiếm, so sánh giá cả, chất lượng, uy tín của người bán để lựa chọn sản phẩm tốt nhất.
Do đó, thay vì chỉ cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp phải có chiến lược mới về xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín của người bán.
Hai là, sự chuyển dịch đáng kể của một nền kinh tế sản xuất, gia công sang nền kinh tế thương hiệu được hỗ trợ bởi thương mại điện tử xuyên biên giới.
Và ba là, quyết định cho sự phát triển lâu dài của một doanh nghiệp nằm ở mô hình phát triển của doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh và đủ sức phục hồi trước những biến động của môi trường xung quanh. Để đạt được điều này, chuyển đổi số và nâng cấp số liên tục là một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Quá trình này không chỉ bao gồm số hoá, thông minh hoá cơ sở hạ tầng và thiết bị sản xuất, số hoá quy trình quản lý, mà còn là tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cũng như số hóa hoạt động của người dùng.
Năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi, dịch chuyển. Mô hình thương mại điện tử kỹ thuật số tạo ra những giá trị mới trên thị trường toàn cầu, không chỉ xuất khẩu sản phẩm “Made-in-Vietnam” mà hướng tới mang các “Thương hiệu Việt Nam” ra toàn cầu.