Chiều 15/6, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo Xúc tiến sản phẩm trà tỉnh Lai Châu vào thị trường Trung Đông , Bắc Phi và Nam Á.
Xuất khẩu trực tiếp đạt gần 35% sản lượng
Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh có gần 9 nghìn ha chè với các giống đa dạng như: Chè cổ thụ, Shan tuyết, Kim Tuyên, PH8... tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Sìn Hồ. Trong đó, nhiều diện tích được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như: VietGAP; RA (chứng nhận rừng bền vững).
Hàng năm, tỉnh Lai Châu sản xuất ra gần 10 nghìn tấn trà với nhiều mẫu mã đa dạng, trong đó có 02 sản phẩm được chứng nhận Halal là: Green Tea và Sencha Tea; 01 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia; 01 sản phẩm đạt danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020; 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Theo ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan và một phần tiêu thụ trong nước; trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt gần 35% sản lượng với các dạng sản phẩm trà xanh sao lăn, trà đen, sencha, hồng trà, đông phương mỹ nhân, ô long; còn lại là xuất khẩu ủy thác và tiêu thụ trong nước.
Với vùng nguyên liệu chè rộng, sản phẩm trà phong phú như vậy song việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu còn gặp một số khó khăn như: Việc xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận cho vùng nguyên liệu và các sản phẩm chưa được nhiều; công nghệ chế biến chậm đổi mới; thị trường tiêu thụ nhiều thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cước phí vận tải tăng cao,…. “Thị trường truyền thống thay đổi trong khi thị trường tiềm năng tỉnh Lai Châu vẫn chưa mở cửa được. Thông qua hội thảo, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp trồng, chế biến trà của tỉnh Lai Châu kết nối với các doanh nghiệp của các nước trong việc hợp tác đầu tư và phát triển giao thương, tiêu thụ sản phẩm trà của tỉnh”, ông Hà Trọng Hải chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, với những thế mạnh của mình, sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu được đánh giá là phù hợp và có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Hiện nay một số sản phẩm trà của tỉnh đã xuất hiện ở các thị trường Trung Đông và Nam Á, cụ thể như Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và được người tiêu dùng ở khu vực đón nhận tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Hiệu, hoạt động xuất khẩu trà của Việt Nam sang khu vực còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Xuất khẩu trà của tỉnh Lai Châu đến khu vực hàng năm chỉ đạt khoảng hơn 6 triệu USD, một con số khá khiêm tốn so với quy mô của một thị trường trà có tổng giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do hai bên còn thiếu thông tin về nhau và các kênh kết nối doanh nghiệp hiện còn hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
“Hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, hiệp hội trà… hai bên hiểu nhau hơn, từ đó tiến tới thảo luận thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư lâu dài từ hoạt động thương mại đến hợp tác sản xuất giữa ngành trà của tỉnh Lai Châu nói riêng và Việt Nam nói chung với các doanh nghiệp của khu vực có quan tâm đến mặt hàng này”, ông Phạm Quang Hiệu cho biết.
Cần tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội cũng như phương hướng thúc đẩy hợp tác sản xuất, tiêu thụ trà giữa tỉnh Lai Châu với các đối tác Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Đồng thời đề xuất các biện pháp để tăng cường hơn nữa xuất khẩu trà của tỉnh Lai Châu sang khu vực, giúp doanh nghiệp, người dân các nước Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á có thể tiếp cận, thưởng thức các sản phẩm trà chất lượng, giá cả cạnh tranh từ tỉnh Lai Châu nói riêng và Việt Nam nói chung và qua đó nâng cao giá trị thương hiệu trà, hướng đến phát triển bền vững ngành sản xuất và xuất khẩu trà ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Tiên Phong - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan, trà là đồ uống phổ biến tại thị trường Pakistan, Afghanistan. Đây là thị trường khá dễ tính, giá cả phải chăng. Người tiêu dùng tại thị trường này chủ yếu là trà đen. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trà xanh. Do đó, các doanh nghiệp Lai Châu cần cân nhắc xem xét tăng sản lượng sản xuất trà đen để tận dụng cơ hội rất lớn từ thị trường Pakistan, Afghanistan.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trà sang thị trường Pakistan, Afghanistan ông Nguyễn Tiên Phong cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu, khẩu vị người tiêu dùng tại các thị trường này. Bên cạnh đó, chú trọng vấn đề chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, có bao bì đóng gói phù hợp với đất nước hồi giáo, nhất là tiêu chuẩn Halal. “Người tiêu dùng uống trà kèm mật mía, pha sữa hoặc kèm thêm đường. Một số lô hàng có nhuộm màu cho bắt mắt, pha lên có màu vàng, không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiên Phong nêu.
Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Hà Nội - nhận định, trà gắn liền với người tiêu dùng Trung Đông giống như nước mắm gắn liền với người tiêu dùng Việt Nam. Hiểu văn hóa người tiêu dùng uống trà và pha trà, chắc chắn trà Việt Nam sẽ có vị trí ngày càng lớn tại khu vực thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến trực tuyến, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm trà tại các thị trường này.
Ghi nhận ý kiến của các đại sứ, tham tán thương mại tại các nước, các doanh nghiệp nhập khẩu tại các thị trường, về phía Việt Nam, các doanh nghiệp trà Lai Châu cho biết, với các khuyến nghị cũng như các yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có những sự thay đổi để thích ứng. Đồng thời, mong muốn hợp tác nhiều hơn với các bên liên quan để thúc đẩy hợp tác sản xuất, tiêu thụ trà giữa tỉnh Lai Châu với các đối tác Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.