TechInsights, nền tảng đã phát hiện ra bước đột phá 5G của Huawei trong điện thoại thông minh Mate 60 mới nhất, lại tiếp tục tìm thấy chip nhớ 3D NAND tiên tiến nhất thế giới trong thiết bị tiêu dùng đến từ YMTC - nhà sản xuất 3D NAND hàng đầu Trung Quốc.
Yangtze Memory Technologies Corp. (YMTC), cái tên bị thêm vào “danh sách đen” của Hoa Kỳ vào tháng 12 năm ngoái, đã thực hiện một "bước nhảy vọt công nghệ bất ngờ", chính là ra mắt ổ cứng thể rắn ZhiTai Ti600 1TB vào tháng 7/2023 vừa qua. Thực tế, bộ nhớ 3D NAND là thành phần thiết yếu cho tính toán hiệu năng cao (HPC), sử dụng nhiều trong AI và học máy. Bộ nhớ này cũng rất quan trọng đối với lĩnh vực điện toán băng thông cao.
Được biết, công nghệ của 3D NAND giúp tăng thêm nhiều lớp bóng bán dẫn để lưu dữ liệu. Bằng cách thêm vào nhiều lớp bóng bán dẫn, thường lên tới 120 hoặc 144 lớp, thiết bị có thể giúp gia tăng mật độ và dung lượng bộ nhớ lên đáng kể.
"Khuôn 3D NAND 232 lớp do YMTC sản xuất được tìm thấy trong ổ cứng SSD ZhiTai Ti600 1TB, ra mắt vào tháng 7/2023. Sản phẩm mới này có mật độ bit cao nhất được tìm thấy trong một sản phẩm NAND có sẵn trên thị trường ở mức 19,8 Gb/mm2", báo cáo từ TechInsights chỉ ra.
Sự việc nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 12/2022 đã giáng một đòn nặng nề lên kế hoạch mở rộng công suất tại nhà máy Vũ Hán. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, YMTC đang đẩy mạnh hợp tác với một số nhà cung cấp trong nước như Naura Technology. Xét cho cùng, YMTC vẫn là một thành phần quan trọng trong nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc.
Hơn nữa, nhiều nguồn tin chỉ ra rằng, mặc dù vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt, YMTC đã xoay sở để điều hướng căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Không giống như một số đại gia công nghệ khác của Trung Quốc, như Huawei Technologies và Semiconductor Manufacturing International, mà Washington đã đưa vào danh sách đen trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, YMTC đã tránh được những áp lực không hề nhỏ.
Nhà sản xuất chip nhớ được cho là đã thành lập lực lượng đặc nhiệm gồm hơn 800 nhân viên để xem xét lại chuỗi cung ứng, với mục tiêu cuối cùng là thay thế các nhà cung cấp Mỹ. Mặc dù YMTC sau đó phủ nhận, nhưng rõ ràng công ty đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Bài học quan trọng từ những khám phá của YMTC
Một số nguồn tin thân cận giấu tên tiết lộ với SCMP rằng YMTC đã tăng cường đáng kể hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc nhằm hỗ trợ sản xuất chip tiên tiến nhất của hãng. Sáng kiến nằm trong một dự án bí mật được gọi là "Wudangshan". Nguồn tin đề cập dự án nhằm mục đích sử dụng độc quyền thiết bị Trung Quốc.
Báo cáo cũng tuyên bố rằng thực trạng suy giảm bộ nhớ gần đây, cũng như việc nhiều nhà sản xuất chip tập trung vào biện pháp tiết kiệm chi phí, đã cho YMTC cơ hội bứt tốc với NAND Xtacking 3D mật độ bit cao. Nói tóm lại, phát hiện của YMTC đã soán ngôi Micron và Intel (Solidigm), những đối thủ cạnh tranh cũng đang phát triển các thiết bị 3D NAND 232 lớp.
Quá trình tiến bộ trong phát triển chip ở Trung Quốc
Giới chuyên gia nhận định, việc xây dựng 3D NAND tân tiến của YMTC, hay đổi mới trong bộ xử lý HiSilicon Kirin 9000s của Huawei Mate 60 Pro, chứng minh rằng động lực vượt qua hạn chế thương mại và xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước của Trung Quốc đã đạt được thành công vượt ngoài mong đợi.
Trong một diễn biến khác, ông Burn J. Lin, cựu Phó Chủ tịch gã khổng lồ bán dẫn TSMC, chia sẻ với SCMP rằng Hoa Kỳ không thể ngăn cản các công ty Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Huawei Technologies tiến bộ trong công nghệ chip. "SMIC và Huawei, những công ty đã khiến Washington choáng váng khi tiết lộ bộ xử lý điện thoại sản xuất tại Trung Quốc, hoàn toàn đủ khả năng sử dụng cơ sở vật chất hiện có để sản xuất chip silicon tinh vi hơn", ông nhận định.
Vào tháng 10, chính quyền Hoa Kỳ đã tăng cường biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận tiềm năng với công nghệ tiên tiến của Mỹ, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, có vẻ như điều này không ảnh hưởng đến quá trình tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.