Sau khi chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM làm việc, Thiện Học chuyển 3 căn hộ trong 2 năm.
Zing chia sẻ câu chuyện chuyển nhà và thiết kế căn hộ thuê của Nguyễn Thiện Học (28 tuổi, TP. HCM). Anh hiện làm việc tại bộ phận quản trị khách hàng tại một agency về quảng cáo thương hiệu.
Tôi bắt đầu sống xa gia đình từ năm 18 tuổi. Trong khoảng thời gian sinh sống, làm việc ở Hà Nội và TP. HCM, tôi chưa bao giờ xem nhẹ nơi ở dù chỉ là nhà thuê.
Trong 2 năm vừa qua, tôi chuyển nhà đến 3 lần nhằm tìm kiếm nơi sống lý tưởng. Tôi cho rằng một căn nhà tiện nghi, thoải mái sẽ giúp mình sáng tạo hơn trong công việc và có ích trong việc hồi phục tinh thần, nạp thêm năng lượng. Đây cũng là lý do mà mỗi lần chuyển nhà trọ, tôi đều đầu tư tiền bạc và công sức để cải tạo phòng.
Căn phòng 20 m2 ở quận 1 (2020)
Căn phòng này nằm trong một ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ ở gần Nhà thờ Đức Bà. Phòng có 4 cửa sổ lớn, trần cao, bên ngoài cửa sổ có một tán cây rất thơ mộng. Những điểm này khiến tôi xiêu lòng và quyết định thuê ngay, bất chấp hiện trạng tồi tàn dưới mức trung bình của ngôi nhà.
Khi bắt tay vào cải tạo, đầu tiên, tôi thay sàn cũ bằng sàn nhựa giả gỗ. Loại sàn này có giá khá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chống nước, chống cháy. Tôi chọn kiểu lót xương cá để tăng phần tinh tế.
Căn phòng nằm trong một ngôi nhà cũ, được xây dựng theo kiến trúc Pháp.
Tiếp theo, tôi sơn lót trần và tường nhà thành màu trắng. Cửa sổ được sơn màu trắng ngà lệch tông với tường. Tôi cũng đập bỏ tường nhà vệ sinh, thay bằng rèm chống nước để tạo cảm giác thoáng đãng, đồng thời thay toàn bộ thiết bị vệ sinh.
Sau khi đã xử lý xong phần thô, tôi bắt đầu thiết kế bố cục và sắp xếp nội thất. Giường và bàn làm việc được kê ở cạnh cửa sổ - nơi có nhiều ánh sáng nhất.
Tôi chọn giường gỗ Việt Nam thay cho giường sắt vì có giá rẻ hơn. Các loại tủ gỗ được mua từ sàn thương mại đồ cũ với giá 1,4-3,3 triệu đồng. Tôi cũng đóng tủ bếp mới, bổ sung một bồn rửa lớn và bếp từ dọc.
Nhiều người cho rằng cải tạo căn phòng tồi tàn này phải tốn đến cả trăm triệu đồng. Thực tế, tôi chỉ mất khoảng 40 triệu để có nơi sống ngập ánh sáng, giơ máy chụp là có ngay những bức hình rất thơ.
Căn hộ 65 m2 ở quận Bình Thạnh (2021)
Vốn mơ ước về một căn hộ có ban công, tôi nhường lại căn nhà ở quận 1 cho một người bạn và dọn về căn hộ 2 phòng ngủ ở quận Bình Thạnh.
Với căn hộ này, tôi tốn nhiều công sức hơn vì phải can thiệp vào một số phần thô đã hoàn thiện. Cụ thể, tôi sơn lại toàn bộ tường và trần, lót nền gạch bằng sàn giả gỗ và đi lại hệ thống điện hợp lý hơn. Ngoài ra, tôi cải tạo cả bếp để tăng diện tích sử dụng, đóng lại hệ thống tủ bếp gỗ và mua thêm các thiết bị.
Tôi chọn màu sắc trung tính để làm nổi bật sự nhẹ nhàng, tinh tế của không gian. Đồ nội thất chủ yếu được làm từ các chất liệu như gỗ, vải, nỉ, sứ, đảm bảo tiện nghi nhưng cũng không kém phần ấm áp.
Căn hộ được sử dụng tông màu chủ đạo là be và gỗ.
Cải tạo phòng khách kiêm không gian giải trí là một trong những hạng mục quan trọng nhất. Ở đây, tôi đặt một bộ sofa lớn và bàn trà nhỏ bằng gỗ. Ngoài ra, tôi đặc biệt chú ý đến việc đi dây điện và sắp xếp các thiết bị điện tử. Dây điện ngăn nắp không chỉ giúp thoáng đãng mà còn tiện lợi trong khâu sửa chữa, tháo lắp, bổ sung.
Buổi tối, phòng khách ấm cúng hơn nhờ ánh sáng dìu dịu. Để có được hiệu ứng này, tôi đã kết hợp đèn hắt tivi, đèn hắt tủ và đèn gầm sofa...
Phòng làm việc mang phong cách Japandi (kết hợp Nhật Bản và Bắc Âu) được thiết kế rèm tăm nên không gian đủ sáng, gọn gàng nhưng vẫn có chút thơ mộng.
Trên tiêu chí tối giản nhất có thể, tôi giảm bớt mọi đồ đạc không cần thiết trong phòng ngủ để tránh bị phân tâm. Cạnh giường đặt một chiếc tủ gỗ sồi, lau dầu không quá bóng. Thiết kế tủ không tay nắm, các góc tủ cũng được bo cong rất an toàn, tránh chấn thương nếu có va chạm.
Mặt bếp ban đầu là đá màu muối tiêu đen. Tôi vốn không thích các bề mặt màu không đồng nhất nên đã nhờ thợ sơn dầu lên, sau đó phủ thêm vài lớp phủ, và cuối cùng lót thêm lớp gỗ.
Nhờ tận dụng lại đồ nội thất sẵn có, tôi chỉ mất khoảng 40 triệu đồng để tân trang căn hộ này.
Căn hộ 80 m2 ở TP Thủ Đức (2022)
Sau một năm, tôi lại chuyển nhà. Lần này, tôi chọn căn hộ rộng 80 m2 này vì 3 yếu tố chính:
Đầu tiên, khu vực này khá yên tĩnh, có nhiều cây xanh bao quanh, đường sá thông thoáng tiện di chuyển.
Tiếp theo, chất lượng công trình đáng tin cậy và hoàn thiện tốt.
Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, đó là đơn vị cho thuê uy tín và chuyên nghiệp.
Tổng thể căn hộ được thiết kế theo phong cách Japandi. Tôi bố trí bàn ăn và sofa ở phòng khách để bạn bè có thể quây quần ăn uống, trò chuyện. Tôi học hỏi phong cách hygge (sống chậm, đơn giản) của các nước Bắc Âu. Nếu như họ thường ngồi cùng nhau bên lò sưởi, chúng tôi sẽ sum họp bên tivi với chương trình mọi người yêu thích hoặc một bản nhạc hay.
Bếp được lấy cảm hứng từ những căn hộ ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đất chật người đông. Tôi bố trí bếp domino dọc tiết kiệm diện tích, tủ bếp cao có nhiều góc lưu trữ, thích hợp với người có người nhiều đồ bếp và mê nấu ăn ở nhà như tôi.
Phòng ngủ được thiết kế để có giấc ngủ sâu. Giường ngủ nằm gần cửa sổ, đón ánh sáng để tránh ẩm mốc. Tôi đặc biệt khắt khe trong việc lựa chọn ga giường với chất liệu thân thiện như linen và màu sắc nhã nhặn, thư giãn tối đa.
Tổng chi phí cải tạo lần này là 70 triệu đồng cho một không gian sống tinh tươm, tiện nghi.