Dữ liệu chính phủ Trung Quốc công bố ngày 3/5 cho thấy hoạt động kinh doanh du lịch của nước này trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động 1/5 đã phục hồi trở lại mức trước Covid-19. Theo Reuters, sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch và tiêu dùng nếu được duy trì có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc bớt lo lắng, khi thị trường bất động sản và xuất khẩu chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Gần 22 tỷ USD chi cho du lịch
Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải nước này, trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, khoảng 160 triệu lượt hành khách đã được vận chuyển ở Trung Quốc. Đặc biệt, ngay trong ngày nghỉ lễ đầu tiên 29/4, số lượng người đi lại bằng đường hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt đã đạt 56,99 triệu lượt người, tăng 151,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng ngày 1/5, 49,36 triệu lượt hành khách đã được vận chuyển, tăng 164,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó tăng mạnh nhất là di chuyển bằng đường sắt, đạt 16 triệu lượt, tăng 580,9% và đường hàng không, đạt 1,56 triệu lượt, tăng 649%.
Trong các chuyến du lịch đầu tháng 5, người dân Trung Quốc đã chi tổng cộng 148 tỷ nhân dân tệ (21,42 tỷ USD), tăng 128,9% so với năm ngoái và ngang bằng với mức năm 2019. Dữ liệu của cổng thông tin du lịch Fliggy cho thấy, doanh thu từ sản phẩm du lịch nội địa đạt mức cao nhất trong lịch sử vào ngày 29/4. Cụ thể, doanh thu từ vé máy bay nội địa, cơ sở lưu trú, vé tàu xe đều vượt xa năm 2019. Lượng đặt phòng khách sạn và homestay đặc biệt tăng mạnh với doanh thu tăng 129% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu từ công ty du lịch Ctrip, lượng đặt tour nội địa trong dịp lễ vừa qua tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tương đương năm 2019. Và lượng đặt tour nước ngoài cũng tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. "Từ tháng 3, chúng tôi đã có những khách đặt phòng cho kỳ nghỉ lễ và hiện tất cả phòng đều đã được đặt kín chỗ", ông Sun Yinlin, chủ một khách sạn, chia sẻ.
Nhiều điểm du lịch trên khắp Trung Quốc đã chứng kiến cảnh cháy vé và buộc phải khuyên du khách lùi kế hoạch tham quan khi số lượng khách du lịch phá kỷ lục trong kỳ nghỉ lễ. Ngày 1/5, chính quyền đảo Cổ Lãng (Gulangyu), hòn đảo chỉ dành cho người đi bộ ngoài khơi biển Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, đã thông báo bán hết toàn bộ vé phà ra đảo và đề nghị những du khách chưa mua vé tham quan đảo vào một ngày khác.
Tương tự, tại Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, Hoàng Hạc Lâu, một biểu tượng du lịch của thành phố, đã đạt công suất tiếp nhận tối đa trong hai ngày liên tiếp, với khoảng 40.000 người. Các địa điểm trong nhà như bảo tàng cũng đang chứng kiến những con số kỷ lục. Vào lúc 8h30 sáng 1/5, lượng đặt chỗ trong ngày của Bảo tàng Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc đã vượt quá công suất tối đa, khiến bảo tàng này buộc phải khuyên những người chưa đặt chỗ dời lịch sang ngày khác.
Đối với du lịch nước ngoài, theo dữ liệu của Travel Daily News, tính đến 20/4, 10 điểm đến quốc tế được khách Trung Quốc đặt nhiều nhất trong kỳ nghỉ lễ Lao động là Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Việt Nam, Úc. Tiếp theo là Anh, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha , Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Đức, Brazil và Hà Lan. Những điểm đến này được khách Trung Quốc đánh giá mang đến nhiều điểm tham quan và trải nghiệm đa dạng, từ những bãi biển đẹp và kỳ quan thiên nhiên đến các địa danh văn hóa và khu mua sắm đẳng cấp thế giới.
Doanh số bán lẻ tăng mạnh
Theo China Media Group, tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ phục hồi hơn nữa trong bối cảnh bùng nổ du lịch và ước tính đóng góp hơn 120 tỉ nhân dân tệ (17,35 tỉ USD) doanh thu. Dữ liệu từ Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy, tranh thủ đợt nghỉ lễ kéo dài này, người dân cũng ra ngoài mua sắm nhiều hơn. So với cùng kỳ năm trước, các công ty bán lẻ và cung cấp thực phẩm lớn chứng kiến doanh số bán hàng tăng 21%.
Doanh thu của các chuỗi thực phẩm chính tăng 37%, doanh số bán quần áo tăng 21%, doanh số bán đồ trang sức, thuốc lá và rượu đều tăng khoảng 17%. Tổng doanh thu phòng vé của các bộ phim công chiếu dịp lễ 1/5 tại Trung Quốc cũng vượt mốc 1,5 tỷ nhân dân tệ (217 triệu USD). Đặc biệt doanh thu từ các dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí đã đi lên gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê mới nhất của nền tảng phân tích dữ liệu lớn của China Mobile, lượng giao dịch thanh toán trực tuyến mỗi ngày ở Trung Quốc tù khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ đã tăng hơn 14,5% so với tuần trước đó. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ và đồ ăn thức uống cũng tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Chen Lifen - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Sự bùng nổ chi tiêu đã cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường tiêu dùng Trung Quốc, cũng như là vai trò của tiêu dùng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chúng tôi". Đón đầu xu thế, nhiều địa phương Trung Quốc đã tăng số lượng chuyến giao thông, cũng như tung ra các chương trình khuyến mại, tặng phiếu mua hàng nhằm khuyến khích người dân tăng cường chi tiêu và du lịch hơn nữa, giúp kinh tế phục hồi vững chắc trở lại sau 3 năm khó khăn do đại dịch.
Các chuyên gia du lịch nhận định, kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế Covid-19 từ tháng 12/2022 đã thúc đẩy tiêu dùng và du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, tính bền vững của sự phục hồi vẫn còn đang là dấu hỏi trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đang ở mức cao kỷ lục, thu nhập các hộ gia đình giảm.