Đơn vị tài chính tiêu dùng của Ant Group vừa được Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) chấp thuận yêu cầu tăng 10,5 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) vốn. Động thái trên đánh dấu bước biến chuyển tích cực trong mối quan hệ giữa giới chức đại lục và các gã khổng lồ công nghệ, theo CNBC.
Như vậy, vốn điều lệ của chi nhánh tài chính tiêu dùng của Ant sẽ tăng lên 18,5 tỷ nhân dân tệ. Thông tin ngay lập tức giúp cổ phiếu giao dịch trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) của Alibaba tăng 8%. Cổ phiếu niêm yết trên sàn New York cũng kết phiên tích cực trong sắc xanh với 4,4%.
Kể từ khi bất ngờ bị đình chỉ IPO vào năm 2020, Ant đã phải làm việc với các cơ quan quản lý Trung Quốc để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Công ty này ra mắt đơn vị tài chính tiêu dùng vào năm 2021 như một phần của kế hoạch tái cấu trúc. Được biết Alibaba hiện đang sở hữu 33% cổ phần tại Ant - công ty điều hành một trong hai ứng dụng thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc.
Theo CNBC, Ant vẫn sẽ nắm giữ 50% cổ phần tại đơn vị tài chính tiêu dùng. Các nhà đầu tư mới rót vốn vào 50% cổ phần còn lại bao gồm một công ty được hỗ trợ bởi chính phủ Hàng Châu và Sunny Optical Technology.
“Đây là một khởi đầu tích cực của Ant Financial trong quá trình tái cấu trúc dưới sự giám sát của CBIRC và Ngân hàng Trung ương PBOC”, Winston Ma, trợ lý giáo sư luật tại Đại học New York, cho biết.
Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể kế hoạch IPO của Ant được hồi sinh. Công ty này vẫn chưa nhận được giấy phép từ PBOC, theo CNBC.
Trước đó, mảng Tài chính tiêu dùng của Ant từng có kế hoạch tăng vốn lên 30 tỷ nhân dân tệ. Cinda Asset Management, một trong những công ty quản lý nợ xấu của Trung Quốc, hồi năm ngoái đã rút lại kế hoạch đầu tư 6 tỷ nhân dân tệ cho 20% cổ phần song không tiết lộ lý do.
Đơn vị tài chính tiêu dùng của Ant bao gồm chi nhánh tín dụng Huabei và Jiebei. Mảng kinh doanh này đã đóng góp 28,59 tỷ nhân dân tệ, tương đương 39,4%, vào doanh thu của Ant trong 6 tháng đầu năm 2020.
“Chúng tôi xem đây là một tín hiệu để Ant hoàn thiện. Đơn vị tài chính tiêu dùng sẽ có thể xử lý các khoản vay trị giá 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ sau khi công cuộc tăng vốn hoàn tất”, Leon Qi, chuyên gia phân tích tại Daiwa Capital Markets Hong Kong nói với tờ Bloomberg.
Theo các chuyên gia, dự báo 2023 có thể là năm chứng kiến sự trở lại của các ông trùm công nghệ Trung Quốc do giới chức dần thay đổi lập trường và nới lỏng kiểm soát thay vì siết chặt như 2 năm vừa qua. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, Bắc Kinh còn yêu cầu các công ty công nghệ lớn dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế.
“Các yếu tố trước đây kìm hãm các công ty công nghệ đang dần được nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng giá trị thị trường các công ty này sẽ tăng trở lại vào năm 2023”, Yang Aiyi, nhà phân tích tại China Securities, nhận định.
Được biết 2 năm qua, các ông trùm công nghệ Trung Quốc “im hơi” một cách bất thường. Jack Ma không một lần xuất hiện, trong khi Wang Xing, Chủ tịch Meituan, không đăng công khai một dòng trạng thái nào trên mạng xã hội.
Vào năm 2021, chính phủ đóng băng việc phê duyệt việc phát hành các trò chơi điện tử mới, đồng thời đưa ra các quy tắc giới hạn thời gian cho trẻ em dưới 18 tuổi. Điều này khiến các nhà đầu tư vốn không dự tính từ trước vô cùng hoảng sợ.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy một số quy định pháp lý có thể được nới lỏng. Bằng chứng là mới đây, Bắc Kinh đã khởi động lại việc phê duyệt các trò chơi mới, đồng thời ngỏ ý muốn hỗ trợ lĩnh vực công nghệ.
“Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay là tăng trưởng kinh tế”, Linghao Bao, nhà phân tích tại Trivium China, nói với CNBC, đồng thời cho biết việc siết chặt đàn áp trước đây sẽ sớm chấm dứt sau khi Bắc Kinh nhận ra đây không hẳn là sáng kiến phù hợp. “Chúng tôi đã chứng kiến một số nỗ lực gần đây nhằm nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và giải cứu thị trường bất động sản. Điều đó có nghĩa là trọng tâm chính sách đã chuyển sang một cách tiếp cận có tính toán hơn, dễ dự đoán hơn”.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại nền kinh tế cũng mang đến cho các nhà đầu tư nhiều hy vọng.
“Chúng tôi lạc quan về triển vọng Internet năm 2023 nhờ câu chuyện mở cửa trở lại, sau khi tâm lý người tiêu dùng được cải thiện”, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết. Trước đó, các tập đoàn công nghệ như Tencent và Alibaba đã tiết lộ báo cáo doanh thu tăng trưởng khá chậm vào năm 2022, trong khi các nhà sản xuất xe điện như Xpeng ghi nhận doanh thu mờ nhạt.
“Tôi cho rằng triển vọng phục hồi của ngành công nghệ vào năm tới phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tiêu dùng”, Xin Sun, giảng viên tại King’s College London, chia sẻ với CNBC. “Với mức độ tiêu dùng bị kìm hãm như hiện nay, nguyên nhân một phần đến từ sự bi quan của người tiêu dùng. Sự phục hồi của lĩnh vực công nghệ thực sự có khả năng xảy ra, nếu Trung Quốc dần mở cửa lại nền kinh tế”.
Theo: CNBC, Bloomberg