Ngày 11/12, tàu vũ trụ Orion hạ cánh xuống Thái Bình Dương, kết thúc 25 ngày của Artemis I - nhiệm vụ đầu tiên trong hành trình trở lại Mặt Trăng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Sau khi lao qua khí quyển Trái Đất với tốc độ 40.000 km/h, Orion rơi xuống ngoài khơi Baja California (Mexico) với sự hỗ trợ của những chiếc dù lớn. Do là chuyến bay thử nghiệm, không có phi hành đoàn trong khoang tàu.
Đây được xem là cột mốc mới của NASA trong sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng. Cơ quan này đang lên kế hoạch cho những chuyến bay phức tạp hơn, với loạt công nghệ mới và sự đồng hành của các công ty tư nhân.
Màn hạ cánh hoàn hảo
"(Trong sứ mệnh Apollo) chúng tôi đã biến những điều không thể thành có thể. Giờ đây, chúng tôi đang làm điều đó thêm lần nữa nhưng với mục đích khác. Lần này, chúng tôi trở lại Mặt Trăng để học cách sống, làm việc, phát minh, sáng tạo nhằm tiếp tục khám phá vũ trụ", Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết.
NASA mô tả hành trình trở lại Trái Đất là nhiệm vụ ưu tiên nhất của Orion. Một tấm chắn nhiệt giúp tàu vũ trụ không bị thiêu cháy khi lao vào khí quyển, nhiệt độ gần 3.000 độ C. Theo BBC, đây là thiết kế mới của Orion so với những tàu vũ trụ trước.
Hình ảnh 11 chiếc dù bung khỏi tàu theo thứ tự là dấu hiệu cho thấy tấm chắn nhiệt đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để NASA đánh giá chi tiết, đảm bảo bộ phận hoạt động hiệu quả trước khi đưa phi hành gia lên tàu.
"Chúng tôi sẽ xem xét cách nhiệt độ hấp thụ trở lại khoang phi hành đoàn ảnh hưởng nhiệt độ bên trong như thế nào", Jim Geffre, Giám đốc Tích hợp Phương tiện Orion của NASA cho biết.
"Nhiệm vụ này là thành công lớn với chúng tôi. Hiện tại, nó cho thấy tàu vũ trụ có đầy đủ bộ phận cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để đưa con người lên khoang tàu cho sứ mệnh Artemis II", Vanessa Wyche, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA chia sẻ.
Melissa Jones, Giám đốc Hoạt động Thu hồi của NASA cho biết đây là màn hạ cánh hoàn hảo. Trong khi đó, Giám đốc Bill Nelson khẳng định chuyến bay là thắng lợi của NASA, nước Mỹ, các đối tác quốc tế và cả nhân loại.
"Trong nhiều năm, hàng nghìn người đã cống hiến hết mình cho sứ mệnh, nhiệm vụ truyền cảm hứng để thế giới cùng hợp tác, khám phá những vùng hoang sơ của vũ trụ", ông Nelson nói.
Hành trình đáng nhớ
Orion kết thúc hành trình trong ngày kỷ niệm 50 năm con người lần cuối đặt chân lên Mặt Trăng. Ngày 11/12/1972, tàu vũ trụ đưa 2 phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt đáp xuống bề mặt Mặt Trăng trong 3 ngày. Đó cũng là sứ mệnh cuối cùng trong chương trình Apollo của NASA.
Theo ScienceAlert, NASA đã diễn tập thu hồi Orion trên biển trong nhiều năm. Tàu tuần dương hạng nặng USS Portland được chỉ định tiếp cận tàu vũ trụ, bên cạnh máy bay trực thăng và thuyền.
Sau khi Orion rơi xuống biển, nhóm thu hồi đã tiếp cận khu vực để chụp ảnh. NASA để tàu vũ trụ trôi nổi trong 2 tiếng để thu thập dữ liệu. Sau đó, USS Portland đưa Orion đến căn cứ San Diego, California để tháo dỡ.
NASA tốn hàng chục tỷ USD để phát triển tên lửa, tàu vũ trụ và công nghệ cho sứ mệnh. Lần thử nghiệm đầu tiên của Orion diễn ra năm 2014 nhưng chỉ quay quanh quỹ đạo Trái Đất, tiếp cận bầu khí quyển với tốc độ chậm hơn (32.300 km/h).
Trong hành trình 25 ngày từ khi cất cánh vào 16/11, Orion đã tách khỏi Hệ thống Phóng Không gian (SLS), tên lửa mạnh nhất của NASA để đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng, di chuyển quãng đường hơn 2,25 triệu km.
Ngày 21/11, tàu vũ trụ tiếp cận Mặt Trăng, cách bề mặt khoảng 128 km. Orion cũng phá kỷ lục tàu vũ trụ được thiết kế chở người xa Trái Đất nhất, với khoảng cách lớn nhất là 431.000 km.
Một số sự cố được ghi nhận trong suốt chuyến đi, đều nằm trong kế hoạch và không có lỗi nghiêm trọng.
Tương lai của Artemis
Thu hồi Orion giúp NASA thu thập dữ liệu quan trọng cho những nhiệm vụ tương lai. Các thông tin gồm tình trạng tàu sau chuyến bay, dữ liệu gia tốc, độ rung và hiệu quả áo chống bức xạ, được khoác lên hình nộm trong khoang tàu.
Để tiết kiệm chi phí, một số bộ phận của Orion sẽ được tái sử dụng cho tàu vũ trụ dùng trên chuyến bay Artemis II, dự kiến phóng vào năm 2024. Nhiệm vụ sẽ có sự tham gia của phi hành đoàn, gồm 3 người Mỹ và một người Canada. NASA sẽ công bố các phi hành gia được chọn vào đầu năm sau.
Quỹ đạo của Artemis II khá đơn giản. Sau khi phóng, tầng trên của tên lửa SLS sẽ đẩy Orion vào quỹ đạo elip, cách Trái Đất khoảng 2.800 km để phi hành gia kiểm tra hệ thống của Orion. Tiếp theo, động cơ sẽ tăng tốc để đưa tàu vũ trụ về phía Mặt Trăng.
Trong chuyến bay này, tàu vũ trụ không quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng mà chỉ dùng lực hấp dẫn để trở lại Trái Đất và hạ cánh xuống Thái Bình Dương. Toàn bộ hành trình mất khoảng 10 ngày.
Chuyến bay Artemis III dự kiến cất cánh vào năm 2025 là lần tiếp theo con người đặt chân lên Mặt Trăng. Theo New York Times, NASA sẽ hợp tác với SpaceX, công ty vũ trụ do Elon Musk đồng sáng lập để chế tạo tàu đổ bộ dựa trên tên lửa Starship.
Hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD đã được NASA ký với SpaceX vào năm 2021. Trong khi SLS của NASA chỉ dùng được một lần, tên lửa SpaceX được thiết kế để tái sử dụng.
Bằng cách chuyển giao phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng cho SpaceX, NASA đặt mục tiêu rút ngắn thời gian và chi phí.
Trong chuyến bay Artemis III, 2 phi hành gia sẽ di chuyển từ Orion sang Starship để đáp xuống Mặt Trăng và 2 người ở lại Orion. Tên lửa của SpaceX dự kiến đáp xuống cực Nam để các phi hành gia tìm kiếm nước ở dạng băng trên Mặt Trăng.
Sau khoảng 2 tuần, các phi hành gia trên Mặt Trăng được Starship chở đến Orion trên quỹ đạo. Sau đó, Orion sẽ đưa toàn bộ 4 phi hành gia trở lại Trái Đất, kết thúc sứ mệnh Artemis III.
Tiếp theo, chuyến bay Artemis IV phục vụ xây dựng căn cứ Gateway trên quỹ đạo Mặt Trăng. Với Artemis V và những nhiệm vụ tiếp theo, Orion sẽ đưa phi hành gia cập bến Gateway, sau đó di chuyển đến tàu đổ bộ để đáp xuống Mặt Trăng.
NASA đang cân nhắc chọn công ty khác để cung cấp tàu đổ bộ cho Artemis V, những cái tên tiềm năng gồm Blue Origin, công ty sản xuất tên lửa của tỷ phú Jeff Bezos, đồng sáng lập Amazon.
Quá trình chuẩn bị cho những chuyến bay tiếp theo diễn ra suôn sẻ. Tàu vũ trụ Orion cho Artemis II đã được chế tạo 50% tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Dự kiến giữa tháng 12, đuôi tên lửa cho chuyến bay Artemis III sẽ đến trung tâm để lắp động cơ.
Là một phần trong sứ mệnh Artemis, cơ quan này còn đặt mục tiêu đưa phụ nữ và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng. Một số cơ quan khác cũng hợp tác phát triển Orion cùng NASA, bao gồm Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Theo BBC, ESA vẫn tiếp tục cung cấp một số module cần thiết cho những nhiệm vụ tiếp theo của Orion. Đổi lại, sẽ có các phi hành gia châu Âu cùng tham gia sứ mệnh.
Quá trình sống và làm việc trên Mặt Trăng sẽ giúp các kỹ sư phát triển công nghệ giúp con người di chuyển và định cư trên Hỏa tinh, dự kiến diễn ra vào cuối thập niên 2030.