Giá giấy biến động ảnh hưởng đến thị trường xuất bản. Ảnh: Bá Ngọc.
Từ năm 2020, giá giấy biến động khiến kế hoạch xuất bản của các đơn vị làm sách có nhiều thay đổi. Giá giấy in sách tăng, giá giấy bìa tăng làm ảnh hưởng mọi kế hoạch in ấn và xuất bản. Bắt đầu từ cuối tháng 2/2021, các loại giấy mà đại diện là giấy in sách đã tăng giá liên tục. Giờ đây giá giấy in sách Bãi Bằng báo giá tháng 11 đã lên gần 26 triệu/tấn.
Tình hình giá giấy trong nước
Kể từ khi giá giấy bắt đầu tăng vào cuối năm 2020, hầu hết doanh nghiệp in ấn và xuất bản đã bắt đầu vật lộn với giá giấy tăng và các đơn vị đã bắt đầu xây dựng kế hoạch khẩn cấp ứng phó với tình trạng này. Tuy nhiên, giờ đây giá giấy tăng liên tiếp, khiến chi phí xuất bản tăng cao, góp phần làm mọi kế hoạch in ấn của các đơn vị xuất bản trở nên tệ hại.
Xu hướng của thị trường giấy in sách báo năm 2022 là cung mạnh, cầu yếu, tuy thế xuất bản cũng không giảm sản lượng, nhu cầu chung vẫn tương đối ổn định; sản xuất trong nước vẫn đủ sức đáp ứng phần lớn nhu cầu của ngành xuất bản.
Giá giấy in sách giai đoạn 2020-2022.
Theo báo cáo tháng 10/2022 của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, tổng nhu cầu về giấy in sách vẫn không thay đổi. Cuối năm là mùa xuất bản lịch và sách nhưng cũng không có nhiều biến động.
Giấy in báo, tiêu dùng đạt 1.088 tấn, tăng 63,5% so với tháng 8/2022. Giấy in, viết không tráng (sản xuất vở, sổ, in sách giáo dục…) tiêu dùng đạt 32.970 tấn, giảm 10,1% so với tháng 8/2022. Giấy in, viết tráng phủ (in lịch, tạp chí, quảng cáo, catalogue…) tiêu dùng đạt 9.896 tấn, giảm 27,6% so với tháng 8/2022.
Biểu đồ giá bột giấy. Nguồn: Hiệp hội giấy và bột giấy.
Cả thế giới chịu tác động của giá giấy tăng
Năm 2021, giá giấy in có nhiều biến động mạnh, đặc biệt là nửa cuối năm do nhu cầu yếu và lượng hàng tồn kho tăng mạnh. Giá giấy tăng không phải do nhu cầu mà do giá thành - giá nguyên liệu thô như bột giấy và hóa chất tăng.
Từ đầu năm đến nay, lạm phát gia tăng, tỷ giá của các đồng tiền liên tục biến động mạnh, thị trường giấy và bột giấy toàn cầu ít nhiều chịu ảnh hưởng về giá cả và lượng giao dịch không đủ ổn định giá thị trường. Đối mặt với chi phí cao, một số nhà máy giấy lớn điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và năng lực sản xuất giấy, việc giá giấy tăng là hiển nhiên.
Bột giấy được sử dụng trong giấy in sách chủ yếu là bột gỗ. Bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, và dịch bệnh Covid-19, các nhà máy sản xuất bột giấy đã phải ngừng hoạt động và các kênh vận chuyển bị tắc nghẽn. Các nhà sản xuất giấy lớn của châu Âu đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu bột giấy trầm trọng.
Sản lượng giấy toàn cầu tháng 9 ước tính khoảng 22 đến 23 triệu tấn, nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ giấy tại thị trường thế giới trong tương lai dự kiến tiếp tục gặp khó khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Trung Quốc và châu Âu chưa có dấu hiệu cải thiện.
UPM (nhà sản xuất giấy lớn nhất châu Âu) đã đình công từ ngày 1/1, kéo dài đến cuối tháng 4 trước khi cuộc đàm phán kết thúc và hoạt động sản xuất mới được tiếp tục. Với lệnh cấm xuất khẩu bột gỗ của Nga sang châu Âu đã khiến các nhà sản xuất giấy tại châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung. Theo ước tính, khoảng 800.000 đến 1,2 triệu tấn bột giấy từ Nga sẽ không được xuất sang thị trường châu Âu.
Chi phí vận chuyển tăng, thời gian vận chuyển không chắc chắn do dịch bệnh gây ra cũng làm trầm trọng thêm tác động chi phí. Dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau như chuỗi cung ứng và môi trường quốc tế, theo thông tin của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, giá bột giấy đã tăng và giá bột gỗ mềm luôn ở mức cao trên 1.000 USD/tấn.
Khi nói về xu hướng chung của giá giấy trong tương lai, nhiều nhận định đều đồng tình là khó mà biết được, nhưng có thể dự đoán rằng sẽ không có quá nhiều thăng trầm. Giá vẫn ở mức cao trong một thời gian và khó mà giảm được.
Các nhà xuất bản không có quyền quyết định đến giá giấy. Nếu có lạc quan, họ cũng chỉ mong giá giấy trong tương lai dao động nhẹ trên cơ sở mức cao như hiện nay, có thể khó quay lại mức giá trước khi tăng.
Tình trạng thiếu giấy, giá giấy tăng cao ảnh hưởng nặng nề tới một số nền xuất bản lớn trên thế giới.
Tác động tới giá sách
Một loạt biến động về giá trong chuỗi sản xuất, kho vận đã dẫn đến kết quả là giá tăng.
Giờ đây với chi phí sản xuất tăng, các đơn vị xuất bản đứng trước bài toán nan giải. Nếu không tăng giá sách thì lỗ, mà tăng giá thì sẽ đối diện với sự giận dữ của người đọc, vốn đang e dè chi tiêu vì kinh tế biến động. Bên cạnh đó, khi giá sách tăng cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho sự phát triển văn hóa, bởi sách vở là một sản phẩm tri thức đặc biệt.
Đặng chẳng đừng, các đơn vị xuất bản vẫn buộc phải tăng giá sách, một giải pháp cuối cùng để bảo toàn tỷ suất lợi nhuận.
Ở một góc độ khác, xuất bản sách mới dù sao vẫn có thể điều chỉnh giá. Khi tái bản sách, giá sách sẽ để theo giá cũ hay tăng lên, tăng bao nhiêu là phù hợp... Tất cả là bài toán làm đau đầu các nhà xuất bản.
Trong ngành công nghiệp giấy, các nhà xuất bản là điểm cuối cùng trong chuỗi sản xuất, là bên thụ động chịu tác động của nhiều phía, nên chỉ có thể đón nhận các làn sóng giá tăng, và có thể cần phải tích cực hơn trong việc tìm ra các cách giải quyết khác. Phát triển sách điện tử là một giải pháp.