Cụ thể, tại hội nghị Code 2022 của Vox Media hôm 7/9, khi được hỏi về lần cãi nhau nảy lửa giữa ông với nhà sáng lập Steve Jobs, Cook cho biết cả hai đã bất đồng quan điểm về chiến lược bán iPhone ngay trước thềm công bố sản phẩm đầu tiên vào năm 2007.
Vào thời điểm đó, Cook nói rằng ông muốn bán iPhone bằng cách trợ giá. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà mạng như AT&T sẽ phải trả trước một khoản phí cho Apple để mua iPhone, sau đó sẽ thu lại nhờ tiền đăng ký thuê bao từ khách hàng.
Tuy nhiên, cố CEO Apple Steve Jobs lại muốn nhận một khoản tiền hàng tháng từ các nhà mạng. Đây là chiến lược không phổ biến trên thị trường smartphone vào thời điểm đó.
Khi ấy, các nhà mạng thường trả trước phí cho hãng smartphone, giúp giảm giá thành sản phẩm khi đến tay khách hàng, đồng thời kiếm lợi dựa trên các khoản trả hàng tháng của họ. Nhưng với Jobs, ông muốn thay đổi truyền thống này để Apple có thể nhận về một phần lợi nhuận hàng tháng của các nhà mạng, Axios nhận định.
“Cách làm của ông ấy sáng tạo và độc đáo hơn nhưng chiến lược của tôi lại giúp sản phẩm mở rộng quy mô nhanh hơn”, Cook chia sẻ tại hội nghị Code. Vì thế, hai người đã mất nhiều năm chỉ để tranh luận về vấn đề này.
Theo Business Insider, cuối cùng, Apple đã làm theo ý tưởng của Steve Jobs và điều này đã trở thành nhân tố quan trọng cho thành công của iPhone. Với chiến lược của Steve Jobs, thiết bị ra đời đã thay đổi truyền thống toàn bộ ngành điện thoại, giảm vai trò độc quyền của các nhà mạng trong việc quyết định thiết kế và phần mềm trên các smartphone.
Song, theo Axios, thành công vượt trội chỉ đến với iPhone khi hãng công nghệ bắt đầu chuyển sang cách làm của Tim Cook. Nhờ đó, iPhone hiện đã trở thành sản phẩm định hình thương hiệu của Apple và đưa hãng công nghệ đến vị trí độc tôn trên thị trường smartphone như hiện nay.
Trang tin nhận định trong suốt nhiều năm qua ngành smartphone tồn tại rất nhiều chiến lược bán hàng. Trợ giá là chiến lược được đa số hãng công nghệ áp dụng ở Mỹ nhưng lại không được ưa chuộng ở các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, cách làm này đang có dấu hiệu thụt lùi trong những năm gần đây, đặc biệt là khi quy định 2 năm giữa nhà mạng và người dùng bị loại bỏ.
Hôm 7/9, cũng tại hội nghị Code 2022 của VoX Media, Tim Cook đã chia sẻ về tầm nhìn của Apple cùng với “phù thủy thiết kế” Jony Ive và vợ của cố CEO Apple, bà Laurene Powell Jobs.
Khi được hỏi về việc áp dụng tiêu chuẩn RCS vào ứng dụng nhắn tin iMessage, CEO Apple đã thẳng thắn bác bỏ. Ông khẳng định rằng cách duy nhất để sử dụng đầy đủ tính năng nhắn tin iMessage là dùng iPhone.