Nhật Bản được cho là đã can thiệp mua đồng yên vào tuần trước nhằm đẩy giá đồng nội tệ. Động thái này có thể đã mang lại khoản lãi vốn ước tính vào khoảng 2.000 tỷ yên (13 tỷ USD), làm tăng thặng dư trong dự trữ ngoại hối của nước này.
Lãi vốn (capital gain) là thuật ngữ kinh tế, được định nghĩa là phần chênh lệch giữa giá mua một tài sản với giá bán được tài sản đó. Nó trái nghĩa với từ lỗ vốn.
Bộ Tài chính Nhật Bản có một tài khoản quỹ ngoại hối đặc biệt, được sử dụng để thực hiện các biện pháp can thiệp. Tại khoản này có hơn 19.000 tỷ yên tiền lãi chưa thực hiện từ cuối năm tài chính 2022. Tài khoản này bao gồm số lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản bằng đồng đô la.
Một số nhà quan sát thị trường tin rằng Nhật Bản đã can thiệp hai lần để củng cố đồng yên gần đây, chi khoảng 5.000 tỷ yên vào ngày 29/4 và 3.000 tỷ yên vào ngày 2/5. Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda, hôm thứ Năm một lần nữa từ chối bình luận về việc này.
Trong những lần can thiệp như vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bán tài sản ngoại tệ từ tài khoản đặc biệt cho các ngân hàng thương mại để mua đồng yên.
Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói với Nikkei: “Dựa trên các nguồn bao gồm tài liệu công khai của Bộ Tài chính, chúng tôi ước tính các giao dịch đã tạo ra khoảng 2.800 tỷ yên tiền lãi từ vốn.
Takeshi Makita của Viện nghiên cứu Nhật Bản nhận thấy khả năng đạt được lợi nhuận thực tế ít nhất là 2.000 tỷ yên.
Tiền thu được từ các biện pháp can thiệp tiền tệ bằng đồng yên trước tiên được dùng để trả các hối phiếu tài chính (các khoản nợ được phát hành để mua tài sản ngoại tệ trong các lần can thiệp trước đó). Hơn 100.000 tỷ yên trong hối phiếu tài chính chưa thanh toán tính đến cuối năm tài chính 2022.
Dữ liệu của Bộ Tài chính công bố hôm thứ Năm cho thấy dự trữ ngoại hối của Nhật Bản giảm 0,9% xuống còn 1,28 nghìn tỷ USD. Đồng yên tiếp tục tạm thời mạnh lên mức 155-155,2 đổi 1 USD.
Theo Nikkei Asia