Thị trường suy yếu đáng kể trong phiên giao dịch đầu tuần, nối tiếp tâm lý yếu và thất vọng trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Các cổ phiếu nhỏ, hàng đầu cơ chứng kiến áp lực bán lớn và hầu hết giảm sâu khi dòng tiền chọn hướng thoát ra, thay vì nâng đỡ. Đây là kết cục thường thấy ở nhóm này, dù trước đó trong chiều lên, có đủ thứ lý do để biện minh cho giá tăng nóng…
VN-Index có một phiên giảm khá mạnh sau tuần trước lình xình không đột phá qua đỉnh cũ thành công, ngay cả khi có thông tin giảm lãi suất. Tuy nhiên diễn biến này chủ yếu là do tác động của các cổ phiếu trụ, còn phần lớn blue-chips trước đó chưa tăng được bao nhiêu. Với sức ép mất điểm do cổ phiếu lớn điều chỉnh, khả năng cao chỉ số sẽ tiếp tục giảm thêm, nhưng sẽ sớm có dòng tiền bắt đáy ở nhóm blue-chips.
Với độ rộng quá hẹp phiên này, hầu hết các nhà đầu tư sẽ chứng kiến sự sụt giảm giá trị danh mục. Với cổ phiếu đầu cơ, đây là tình thế rủi ro cao vì rất nhiều mã sẽ tạo đỉnh nhọn. Chiều tăng giá chủ đạo do dòng vốn nóng thổi lên thì khi dòng vốn này rút đi, sẽ rất khó tìm kiếm được cầu thay thế ở vùng cao, mà cần điều chỉnh tương xứng với chiều tăng. Với blue-chips, cổ phiếu cơ bản cơ hội lớn hơn vì luôn có nhu cầu mua tích lũy. Hiệu ứng giảm giá cũng sẽ nhẹ hơn vì trước đó mức tăng hạn chế.
Tuy nhiên hôm nay chưa thấy dòng tiền chảy vào blue-chips một cách rõ rệt. Trừ một số mã như NVL, PDR vốn không khác gì hàng đầu cơ, bị xả với thanh khoản rất cao và giá giảm sâu, số còn lại điều chỉnh nhẹ, trừ nhóm trụ VCB, VIC, VHM, MSN đang là những tác nhân chính gây sức ép lên chỉ số. Dư địa giảm ở nhóm trụ có thể thêm 1-2 phiên nữa trước khi tạm cân bằng. Điều cần thấy là độ rộng tốt hơn ở nhóm blue-chips và có dòng tiền vào bắt đáy đẩy thanh khoản nhóm này tăng lên.
Mặc dù về mặt xu hướng tổng thể, VNI không vượt qua được đỉnh tháng 1/2023 là một “thất bại”, nhưng thực chất thị trường vẫn chưa thay đổi xu hướng đi ngang tích lũy. Nhịp tăng tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vẫn chỉ là những biến động nhỏ trong xu hướng đi ngang kéo dài đã hơn nửa năm nay. Cổ phiếu tăng trưởng khác nhau và mạnh hơn chỉ số, nhưng không đủ để thay đổi xu hướng do thiếu đi sự hỗ trợ của các blue-chips. Điều đó cũng đồng nghĩa với rủi ro ở nhóm này không cao – vì trước đó chưa tăng nhiều - và quá trình tích lũy kéo dài vẫn đang diễn ra.
Trong ngắn hạn sự thay đổi hướng đi của dòng tiền tạo nên những biến động lên xuống và tùy và quan điểm giao dịch ngắn hay dài mà đánh giá cơ hội/rủi ro. Ví dụ với hàng đầu cơ, đã ăn 20-30% thì lúc này là rủi ro lớn, nhưng nếu tích lũy cổ phiếu cơ bản cho tầm nhìn đến cuối năm thì nhịp điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội. Khác biệt lớn nhất thời điểm hiện tại so với các tháng trước là xu hướng phân bổ lại dòng vốn đầu tư, với bối cảnh nới lỏng tiền tệ đã được định hình và không đảo ngược. Lịch sử thị trường cho thấy chưa bao giờ quá trình tạo đáy vĩ mô hay chuyển tiếp chu kỳ dài hạn (cả về thị trường lẫn chính sách tiền tệ) lại diễn ra một cách nhanh chóng. Tuy nhiên tính chu kỳ đã được chứng minh thì nó sẽ xảy ra.
Vẫn giữ quan điểm nên tránh xa hàng đầu cơ, thong thả tích lũy cổ phiếu cơ bản. Nếu đủ giỏi thì có thể trading, nhưng nên là mua ròng. Lướt sóng ngắn hạn có thể tham gia phái sinh vì có thể đánh cả chiều xuống.
Chiến lược giao dịch phái sinh hôm nay dự kiến là Long trước Short sau nhưng VN30 thật sự yếu. Nhịp nảy đầu tiên chỉ chớm qua 1109.xx là đã rơi xuống, F1 lại duy trì chiết khấu rộng hơn. Long trong tình huống như vậy rất khó vì cầu rút lui quá rõ, cơ hội tăng ở VN30 rất thấp. Tuy nhiên điểm Short cũng không có.
Sức ép từ phía bán ở các blue-chips phiên này không lớn, chủ đạo là thanh khoản nhỏ trừ NVL, PDR, số còn lại nếu có thanh khoản cao thì biên độ giá giảm cũng hẹp, tức là có cầu đang gom khéo. Khả năng nhóm này sẽ tiếp tục giảm thêm chút nữa trước khi cầu bắt đáy bộ lộ rõ hơn. Vì vậy nên quan tâm canh Long với phái sinh.
VN30 chốt hôm nay tại 1098.94. Cản gần nhất ngày mai là 1103; 1109; 1117; 1122. Hỗ trợ 1097; 1093; 1089; 1084; 1078; 1066.