Cùng với đó Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung thành viên ban chỉ đạo nhà nước về các công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có dự án nói trên đi qua, gồm Hà Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đồng Tháp được đề nghị bổ sung làm thành viên ban chỉ đạo. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất bổ sung Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ vào thành viên ban chỉ đạo, thay ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước trước đó theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 có tổng chiều dài 104,5 km, gồm 77 km thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. Đây là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư.
Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên – Túy Loan đi qua địa bàn TP. Đà Nẵng có tổng chiều dài 11,5 km, tổng mức đầu là 2.112 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan dài hơn 77 km đã chính thức đưa vào khai thác từ ngày 16/4/2022; nhưng còn một đoạn tuyến từ xã Hòa Liên đến thôn Túy Loan (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) dài 11,5 km gặp rất nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Các dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, trong đó tuyến Bảo Lộc – Liên Khương nằm trong địa phận tỉnh Lâm Đồng, là các dự án kết nối thông suốt TP.HCM đi Đà Lạt, trên tuyến cao tốc hiện hữu TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hướng tuyến song song với quốc lộ 20 đi Đà Lạt.
Dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành nối TP.HCM với Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại, có tổng chiều dài khoảng 70 km, gồm hai hợp phần là TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Theo khái toán, dự án có tổng kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỷ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỷ đồng.
Hai dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh và Cao Lãnh – An Hữu là những tuyến cao tốc trục ngang kết nối nội vùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đồng thời kết nối thông suốt tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông với đường Hồ Chí Minh phía tây và tuyến N2, đồng bộ hạ tầng giao thông trong khu vực.
Trong đó, tuyến Cao Lãnh – An Hữu dài 27 km, đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có tổng mức đầu tư khoảng 5.880 tỷ đồng, đã được khởi công tháng 6/2023; tuyến Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, có tổng vốn thực hiện dự án dự kiến hơn 4.770 tỷ đồng (vốn vay ODA Hàn Quốc hơn 3.677 tỷ đồng và vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093 tỷ đồng).
Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-TTg thành lập ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Trong đó, điều 1 của Quyết định xác định 6 dự án, nhóm dự án thuộc danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Bao gồm:
- Đường Hồ Chí Minh;
- Các dự án cao tốc Bắc Nam phía đông; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM;
- Dự án đường sắt cao tốc trục Bắc Nam;
- Các tuyến đường sắt đô thị (metro) TP. Hà Nội và TP.HCM;
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành;
- Các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban chỉ đạo thấy cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Các ủy viên, thành viên gồm các lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo bộ chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành dự án.