Đề xuất của Bộ Tài chính về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game là một vấn đề được đưa ra trao đổi tại hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I, của Bộ TT&TT với đối tượng quản lý vào ngày 7/4.
Qua nghe báo cáo, phân tích của VNG, một doanh nghiệp game lớn của Việt Nam cùng lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử về những bất cập của đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, có những sở cứ và lý luận đầy đủ, rõ ràng để kiến nghị lên Bộ Tài chính và Chính phủ.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với các doanh nghiệp game lớn để xây dựng báo cáo.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần lưu ý các nội dung: Mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 220 nước đối với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt ngành game; Những hệ lụy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game như liệu có làm tăng game lậu, khó quản lý và gây thất thu thuế hay không; Ngành game hiện đã mở rộng, không chỉ gồm game chơi mà có cả các game giáo dục, lịch sử; Bổ sung số liệu những game Việt Nam của công ty Việt Nam đang sản xuất và phát hành tại nước ngoài.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành TT&TT cũng lưu ý thêm, nếu game có thể gây ra hệ lụy cho giới trẻ, có thể đề xuất có thêm biện pháp kỹ thuật để hạn chế, ví dụ như hạn chế giờ chơi.
Báo cáo tại hội nghị này, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG, chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp với đề xuất của Bộ Tài chính sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc đưa game online vào đối tượng chịu loại thuế này.
Theo ông Lê Hồng Minh, ngành game dù đã có gần 20 năm phát triển, có nhiều nội dung phục vụ nhu cầu giải trí của khoảng 50% số lượng người dùng Internet tại Việt Nam, song đến nay xã hội và cộng đồng vẫn có cái nhìn không thiện cảm với game.
Đại diện VNG cũng điểm ra một số lý do cần ủng hộ, thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển. Trong đó, có việc những game được chính thức phát hành tại Việt Nam đều đã được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử kiểm duyệt. Những nội dung bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa đều được loại bỏ trước khi cấp phép cung cấp đến người chơi; các game online cũng được phân loại, dán nhãn phù hợp với từng độ tuổi.
“Có thể nói, các game phát hành ở Việt Nam đã được kiểm tra, sàng lọc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.
Mặt khác, dù đã có 20 năm phát triển, song thực tế quy mô ngành game Việt Nam hiện vẫn nhỏ.
Một trong những lý do là để cung cấp một sản phẩm game ra thị trường, doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí. Theo tính toán, tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành game Việt Nam ước tính chỉ dao động khoảng 10-20% tùy theo mức độ thành công từng năm, không phải một ngành có “doanh thu lớn, lợi nhuận cao” như nhận định của Bộ Tài chính.
Vì thế, đại diện VNG cho rằng nếu bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận này sẽ giảm xuống dưới 10% và khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình hoạt động.
“Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game, chúng tôi cho rằng điều này sẽ làm cho sự phát triển của toàn ngành ở Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp ngành game mong muốn sẽ được Bộ TT&TT hỗ trợ để kiến nghị cơ quan chức năng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game”, ông Lê Hồng Minh đề nghị.
Phát biểu tại hội nghị của VCCI trước đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra phải cân nhắc đến nhiều điều.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Vinasa, cho biết có khá nhiều doanh nghiệp game khá thành công nhưng buộc phải chuyển sang nước ngoài chứ không cung cấp tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách.
Bình luận về đề xuất chính sách này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử cho biết, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì người chơi sẽ điều chỉnh hành vi tiêu dùng sang dịch vụ khác tương tự của nước ngoài. Nếu áp thuế thì doanh thu game ở Việt Nam không phải còn là 650 triệu USD nữa mà có thể sẽ giảm đi.
Như vậy, sức cạnh tranh ngành game của Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đang làm kiểm soát tốt về nội dung, nhưng chúng ta sẽ không kiểm soát được dịch vụ xuyên biên giới. Như vậy, chính sách này sẽ kéo dài khoảng cách giữa doanh nghiệp làm ăn chính đáng tại Việt Nam với game lậu.