Từ cuối tháng 11, nhà máy ô tô Moskvich ở Moscow (Nga) đã chính thức hoạt động trở lại và mẫu xe đầu tiên được sản xuất là Moskvich-3. Mẫu xe mới này được định vị là một chiếc SUV cỡ nhỏ, có phiên bản xe xăng và xe điện để lựa chọn.
Một số người có thể nghi ngờ, làm thế nào các hãng xe thiếu sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Nga có thể cạnh tranh trong kỷ nguyên điện khí hóa khi các thương hiệu xe phương Tây đang đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường Nga?
Theo trang tin QQ của Trung Quốc, nguyên nhân là do các hãng xe Trung Quốc đang tăng tốc chiếm lĩnh thị trường Nga để nắm bắt cơ hội.
Lấy chiếc Moskvich-3 nói trên làm ví dụ. Mẫu xe này là phiên bản cải tiến của mẫu xe Sihao X4 (chạy xăng) và E40X (chạy điện) của hãng xe Trung Quốc JAC; dự kiến đến cuối năm nay sẽ sản xuất 600 xe, 200 trong số đó sẽ là những mẫu xe điện thuần túy. Ngoài việc sản xuất theo hai mẫu xe Sihao hiện có, nhà máy ô tô Moskvich sẽ nhập khẩu các mẫu xe khác của JAC trong tương lai, bao gồm Sihao X6, Jiayue A5, Jiayue X4 và Jiayue X7. Với ảnh hưởng to lớn của Moskvich ở Nga, hoạt động kinh doanh xuất khẩu sang Nga của JAC rất đáng kỳ vọng.
Ngoài JAC, các hãng xe Trung Quốc khác như Great Wall Haval, Geely… cũng đang tăng tốc triển khai hoạt động kinh doanh tại Nga. Tháng 10 năm nay, doanh số bán hàng của Great Wall Haval chỉ đứng sau thương hiệu quốc gia Nga Lada với doanh số 4.426 xe; Geely đứng thứ sáu với doanh số hàng tháng là 2.950 xe. Ngoài Great Wall và Geely, Changan Automobile và FAW Group cũng lọt vào danh sách các thương hiệu xe bán chạy tại Nga trong tháng 10.
Theo trang tin QQ, nguyên nhân chính khiến Nga được cho là “đại dương xanh” mới của các hãng xe Trung Quốc là do các hãng xe phương Tây tiếp tục rút khỏi thị trường Nga.
Lấy Moskvich làm ví dụ. Nhà máy này từng được điều hành bởi hãng xe Pháp Renault – hãng xe từng tham gia sản xuất các mẫu xe dưới thương hiệu Lada và Renault tại Nga, và doanh số từng chiếm 1/3 thị trường Nga. Tuy nhiên, do xung đột địa chính trị, Renault đã chịu áp lực phải bán lại nhà máy cho Chính phủ Nga với giá 1 rúp, đồng thời ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga vô thời hạn.
Ngoài Renault, các thương hiệu quốc tế như Nissan, Toyota, Mazda và Ford… cũng buộc phải rút khỏi thị trường Nga. Việc rút lui của các thương hiệu nói trên đã tạo không gian thị trường cho sự trỗi dậy nhanh chóng của các hãng xe Trung Quốc, mặc dù một số người có thể nói rằng thị trường ô tô tại Nga đã bị thu hẹp do các lệnh trừng phạt của phương Tây và doanh số bán xe giảm mạnh.
Thật vậy, do cuộc xung đột Nga – Ukraine, doanh số bán hàng tại thị trường Nga trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh, với doanh số cộng dồn là 502.500 xe, giảm 60,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng ngay cả khi đã giảm, Nga vẫn là một thị trường khổng lồ gần một triệu xe đối với các hãng xe Trung Quốc.
Ngoài ra, theo trang tin QQ, các hãng xe Trung Quốc không chỉ kinh doanh ô tô nhập khẩu mà còn có thể tăng cường ảnh hưởng của mình tại thị trường Nga thông qua hoạt động đầu tư vốn và công nghệ.
Nhìn về tương lai, do cuộc xung đột Nga – Ukraine còn kéo dài, các “đại gia” ô tô phương Tây chắc chắn sẽ không mạo hiểm trở lại thị trường Nga, vì vậy khoảng trống lớn trên thị trường ô tô Nga và những tài năng kỹ thuật xuất chúng ở Nga có thể được tận dụng bởi các hãng xe Trung Quốc.