Theo Bloomberg, mới đây, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - cho biết cách tốt nhất và duy nhất để giải quyết bế tắc về nợ công hiện tại của Mỹ là nới mức nợ trần.
"Điều mà các thị trường trên toàn cầu, hộ gia đình và doanh nghiệp của Mỹ cần là sự cam kết của Quốc hội Mỹ trong việc thanh toán những gì phải trả", Bloomberg dẫn lời bà Yellen nhận định.
"Nếu Quốc hội Mỹ không làm được điều đó, xếp hạng tín nhiệm của chúng ta chắc chắn sẽ giảm", bà Yellen phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản.
Hệ quả nghiêm trọng
Bà từ chối giải thích những động thái tiếp theo của Bộ Tài chính nếu Quốc hội Mỹ trì hoãn hoặc không nới trần nợ trước khi nước này rơi vào cảnh vỡ nợ.
Theo bà Yellen, nếu Mỹ vỡ nợ, toàn bộ thành quả mà nước này đạt được trong những năm qua trong quá trình phục hồi từ đại dịch sẽ bị đe dọa. Không dừng lại ở đó, sự kiện này sẽ không chỉ kéo tụt nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một vụ vỡ nợ sẽ làm lung lay vị thế lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu.
Điều mà các thị trường trên toàn cầu, hộ gia đình và doanh nghiệp của Mỹ cần là sự cam kết của Quốc hội Mỹ trong việc thanh toán những gì phải trả.
Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, việc Mỹ vỡ nợ có thể đẩy lãi suất của những khoản vay mua xe, thế chấp và thẻ tín dụng lên cao.
Trước đó, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cũng cho biết Fed không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro do việc không nâng trần nợ công.
Theo ông, chính phủ Mỹ không nên tự dồn mình vào thế khó. "Việc giải quyết mâu thuẫn về trần nợ giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ là vấn đề của Quốc hội và chính quyền Tổng thống Biden", chủ tịch Fed lập luận.
"Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cho bất cứ bên nào. Nhưng chúng tôi chỉ muốn nói rằng, đây là một điều rất quan trọng cần được giải quyết", ông Powell nhấn mạnh.
Ông Powell khẳng định việc Mỹ vỡ nợ là chưa từng có tiền lệ. Điều này sẽ gây ra "vô số hệ quả khó lường", nhưng vị quan chức không nêu chi tiết các rủi ro.
Tình cảnh bế tắc
Trở lại với Washington, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã hoãn cuộc họp về trần nợ được ấn định vào thứ sáu. Theo nguồn tin của Bloomberg, việc hoãn đàm phán là dấu hiệu cho thấy các cuộc thảo luận nội bộ đang tiến triển.
Suốt nhiều tuần, ông Biden và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bất đồng về việc nới trần nợ công của chính phủ liên bang Mỹ, hiện ở mức 31.400 tỷ USD. Nước này đã đạt đến trần cho vay theo luật định vào tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để bơm tiền mặt.
Nói với Quốc hội Mỹ, bà Yellen cho biết các biện pháp đó chỉ duy trì được đến ngày 1/6. Còn theo chủ tịch Fed, chưa cần nói đến việc Mỹ thực sự vỡ nợ, vấn đề này nguy hiểm ngay từ khi mới chỉ là một nguy cơ.
"Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra", ông Powell nhấn mạnh.