Theo Wall Street Journal, các cuộc khảo sát chỉ ra người tiêu dùng Mỹ sẽ mua sắm ít hơn trong ngày Black Friday năm nay vì lạm phát và bất ổn kinh tế.
Nhưng với sự rầm rộ của ngày hội mua sắm lớn nhất năm, vô số chương trình ưu đãi và giảm giá, kế hoạch cắt giảm chi tiêu của nhiều người Mỹ có thể thất bại.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) dự báo trong 4 ngày kể từ thứ sáu tuần này, 166,3 triệu người Mỹ sẽ mua sắm trực tuyến và trực tiếp tại các cửa hàng. "Mọi người đều nói rằng không nên quá nuông chiều bản thân, nhưng họ vẫn làm vậy", ông Mark Cohen - Giám đốc Nghiên cứu Bán lẻ tại Columbia Business School - bình luận.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trong năm nay, việc chi tiêu quá đà sẽ dẫn tới nhiều rủi ro hơn bởi nguy cơ suy thoái kinh tế.
Dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ đã phình to vì lãi suất tăng cao. Kể từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Tỷ lệ tiết kiệm tại Mỹ cũng quay đầu giảm sau khi tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch.
Tránh bẫy FOMO
Cảnh tượng đám đông ùn ùn đến các siêu thị mua đồ giảm giá vốn là đặc sản của ngày Black Friday. Khi bình minh ló rạng sau Lễ Tạ ơn, hàng dài người cố giành giật những chương trình ưu đãi tốt nhất.
Theo ông Cohen, tâm lý FOMO (lo sợ bỏ lỡ) của khách hàng là một trong những động lực chính thúc đẩy doanh số bán hàng. Bẫy FOMO thậm chí khiến người tiêu dùng đưa ra quyết định sai lầm.
Các vị không cần phải mua gì đó vào ngày thứ sáu, hay thấy tội lỗi vì không dậy sớm "săn" đồ giảm giá
Ông Mark Cohen - Giám đốc Nghiên cứu Bán lẻ tại Columbia Business School
"Các vị không cần phải mua gì đó vào ngày thứ sáu, hay thấy tội lỗi vì không dậy sớm 'săn' đồ giảm giá", ông Cohen chia sẻ.
Trên thực tế, các nhà bán lẻ đã bắt đầu chương trình giảm giá từ vài tuần trước ngày Black Friday nhằm kéo dài dịp lễ.
Hơn nữa, không phải tất cả đều mua được đồ với giá hời trong ngày Black Friday. Nhiều người còn vung tiền để mua những món đồ không cần thiết.
Bà Lindsay Bryan-Podvin - một chuyên gia về tài chính có trụ sở ở Michigan - cho rằng cách tốt nhất là tạo ra một danh sách đồ cần mua. "Việc mua sắm chủ động sẽ giúp chúng ta tránh xa cám dỗ và không hối hận về sau", bà nói thêm.
Tránh phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Một số hãng bán lẻ thường cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho những khách hàng thành viên sử dụng thẻ chi tiêu. Loại thẻ này hoạt động giống với thẻ tín dụng thông thường, nhưng chỉ được dùng cho một số cửa hàng cụ thể.
Theo ông Jamie Hopkins - cố vấn tài chính tại Carson Group, người tiêu dùng không nên sử dụng loại thẻ này để chi tiêu nếu không thể chi trả.
Theo dữ liệu của Fed chi nhánh New York, người Mỹ có xu hướng chi tiêu bằng thẻ tín dụng nhiều hơn vào tháng 11 và tháng 12. Đến quý I năm sau, họ mới thanh toán những khoản vay này.
Lãi suất quỹ liên bang - do Fed ấn định - là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất trong năm nay sẽ tác động tới người tiêu dùng thông qua lãi suất thẻ tín dụng, vay mua xe và mua nhà.
Ông Hopkins cho rằng người tiêu dùng cần lập kế hoạch chi tiêu cụ thể vì giá cả đã tăng cao.
"Nếu cần vay nợ để mua quà hoặc đi du lịch vào kỳ nghỉ, hãy tìm loại thẻ miễn lãi trong giai đoạn đầu, chỉ chi tiêu bằng một chiếc thẻ và để ý kỹ thời điểm kết thúc ưu đãi", ông nói thêm.
So sánh các ưu đãi
Các hãng bán lẻ không phải những công ty duy nhất muốn tăng doanh thu bán hàng trong ngày Black Friday. Các khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không và du thuyền cũng tung ra những chương trình ưu đãi lớn.
Nhưng theo các chuyên gia tài chính, khách hàng có thể chịu thiệt nếu không đọc điều khoản hay so sánh kỹ.
Chẳng hạn, MSC Cruises và Holland America Line đều đang giảm giá tới 40% cho một số chuyến đi. Nhưng những con số hấp dẫn đó chỉ là bề nổi.
Theo bà Tara Minson - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị và truyền thông của InteleTravel, khách hàng cần đọc kỹ và so sánh về các tiện ích bổ sung như những dịch vụ, đồ uống miễn phí trong chuyến đi, Wi-Fi không giới hạn...