Theo đồ án này, một nhà hát mới của Hà Nội sẽ được xây nổi trên hồ Đầm Trị. Nhà hát có diện tích khoảng 13.000 m2, là không gian trình diễn các loại hình nghệ thuật như dàn giao hưởng, hợp xướng, opera... Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa chính của TP Hà Nội và là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano đảm nhận thiết kế công trình này.
Nhà hát được thiết kế trên ý tưởng về một hòn đảo âm nhạc nổi, bao gồm 1.822 chỗ ngồi và chia thành các khu vực: sảnh chính, khán phòng opera, văn phòng, phòng diễn tập và tập luyện, bảo tàng, sàn vọng cảnh… Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ.
Theo UBND quận Tây Hồ, công trình sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thành phố từ thiết kế đến thi công và vận hành.
Việc xây dựng nhà hát sẽ triển khai đồng thời với quy hoạch mạng lưới giao thông, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho bán đảo Quảng An. Nếu quy hoạch được duyệt, đoạn đường Quảng Khánh đi qua nhà hát sẽ được thay thế, tức phương tiện không thể đi qua đoạn phố này. Ngoài ra, thành phố sẽ bổ sung 2 đoạn tuyến đường kéo dài đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An kết nối từ đường Xuân Diệu đến đường Âu Cơ (quy mô mỗi tuyến làn đường rộng 21 m, 4 làn xe); mở rộng thành phần mặt cắt ngang 2 tuyến đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An từ 19,5 m (2 làn xe) lên thành 21m (4 làn xe). Khu vực bán đảo Quảng An cũng sẽ có tuyến đường đi trùng với ngõ 35 Đặng Thai Mai, từ Quảng An đến Quảng Bá.
Trả lời truyền thông, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết công trình nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phần diện tích mặt nước và cũng không nằm trong diện tích của Hồ Tây.
Theo TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nếu như Hồ Gươm là không gian văn hóa của Hà Nội cổ, thì hồ Tây như một viên kim cương giữa lòng thành phố hiện đại.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, không gian hồ Tây đang được khai thác kém hiệu quả, rất ít các không gian công cộng, các công trình văn hóa nghệ thuật tầm cỡ được đầu tư xứng đáng với giai đoạn đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc xây dựng một nhà hát trên khu vực hồ Đầm Trị có thể là điểm nhấn, một không gian văn hóa có giá trong môi trường phát triển mới.
Chuyên gia này cũng cho rằng Hà Nội cần tính đến các yếu tác động tiêu cực nếu có, chẳng hạn không gian cảnh quan, hạ tầng giao thông, môi trường... từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trước khi phát triển dự án này.