Thu hồi đất được xem là vấn đề nóng làm phát sinh nhiều khiếu kiện trong công tác quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, sau khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến thì thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt xã hội với nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của người dân, giới chuyên gia và cả các đại biểu quốc hội.
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với MarketTimes, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời là Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng một trong những vấn đề trọng tâm cần được thể chế hóa trong Luật Đất đai sửa đổi là cần tạo ra cơ chế để kiểm soát hiệu quả quyền lực cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất.
PGS.TS Đoàn Hồng Nhung
MarketTimes: Thưa bà, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động thu hồi đất cần được xem xét ra sao khi mà thu hồi đất hiện vẫn là vấn đề nóng dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài thời gian qua?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Thu hồi đất là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với đất đai trên phạm vi cả nước thực hiện hoạt động thu hồi đất.
Khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền lực này của Nhà nước: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Trong những năm qua, quá trình thu hồi đất đã đạt được hiệu quả nhất định góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, quá trình này còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến những bất bình trong nhân dân và nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ do không giải quyết được vấn đề đất đai.
Có thể chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do nhiều chủ thể mang quyền lực Nhà nước chưa thực tốt vai trò của mình trong thu hồi đất đai như việc lạm dụng quyền lực và đùn đẩy trách nhiệm khi thu hồi đất đai.
Rõ ràng, thu hồi đất là một hoạt động rất nhạy cảm đối với xã hội vì thông thường người sử dụng đất không muốn bị thu hồi. Vì vậy, Nhà nước phải giải mã, minh định rạch ròi giữa nội dung quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai với nội dung quản lý nhà nước về đất đai để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo về các chức năng này.
MarketTimes: Vậy phải chăng hệ thống pháp luật đất đai hiện tại chưa “bao phủ” được những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Thực tiễn thời gian qua cho thấy, quá trình thu hồi đất còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến những bất bình trong nhân dân và nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ do không giải quyết được vấn đề đất đai.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do nhiều chủ thể mang quyền lực nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong thu hồi đất đai.
Tất cả những vấn đề nói trên lại chủ yếu đến từ việc các quy định của pháp luật chưa bao phủ và điều chỉnh được hết các quan hệ và vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi đất.
Có thể lấy ví dụ như theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì việc Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Tại các Điều 16, Điều 63 và 65 cũng quy định ba trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất.
Tuy nhiên, về cưỡng chế thu hồi đất hiện nay lại không có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào giải thích khái niệm này. Dù căn cứ vào cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, cưỡng chế thu hồi đất được hiểu là biện pháp bắt buộc của cơ quan nhà nước áp dụng đối với người có đất bị thu hồi mà không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi đã được vận động, thuyết phục.
Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng đang đặt ra không ít vấn đề trong việc giải quyết hài hòa bài toán quan hệ và vị thế của người dân với các cơ quan chức năng đứng ra thu hồi đất.
Do đó, khi kiểm soát tốt quyền lực nhà nước trong thu hồi đất bằng hệ thống Luật pháp hoàn thiện, chất lượng thì thu hồi đất sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ quyền lợi của Nhân dân, kích thích phát triển kinh tế - xã hội.
Kiểm soát tốt quyền lực nhà nước thông qua hoạt động thu hồi sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai, giảm nguy cơ tiềm ẩn lạm dụng, tha hóa quyền lực, tham nhũng trong quá trình thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.
MarketTimes: Từ những vấn đề đặt ra như trên, theo bà, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất cần được tiếp cận ra sao trong Dự án Luật Đất đai sửa đổi đang được triển khai?
PGS.TS Doãn Hồng Nhung: Trọng tâm của những công việc này phải bắt đầu bằng sự nhận thức một cách cụ thể và nghiêm túc Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước cần được lồng ghép khi xây dựng các quy phạm pháp luật trong Dự án sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 đang được tiến hành.
Để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, trước hết, cần hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và đặc biệt là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; nhất là việc cần phải nhanh chóng ban hành cơ chế cả về mặt văn bản lẫn cả thiết chế trong việc xử lý các vi phạm Hiến pháp (quy định tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013).
Đối với Dự án Luật Đất đai sửa đổi đang được triển khai theo tôi, liên quan đến vấn đề thu hồi đất, xuất phát từ thực tiễn có một số nội dung cần được xem xét và cân nhắc.
Đầu tiên, cần có quy định về việc thành lập cơ quan chuyên trách với chức năng theo dõi, cung cấp thông tin về giá đất, xác định giá đất làm căn cứ để xác định giá bồi thường cần phải có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể áp dụng một cách chính xác, đầy đủ.
Thứ hai, cần phải xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
Theo đó, có quy định để người dân được quyền thuê một đơn vị định giá mà họ cảm thấy tin tưởng để tiến hành định giá các chi phí thiệt hại về tài sản, thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh và Nhà nước phải căn cứ vào kết quả định giá đó và kết quả định giá do cơ quan Nhà nước chỉ định để so sánh và đưa ra mức bồi thường thiệt hại phù hợp với thực tế.
Thứ ba, cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện công tác bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất nhằm kịp thời phát hiện, bổ sung và điều chỉnh các cơ chế chính sách còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn; phát huy dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại của người dân; biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện.
Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ tư, cần quy định cơ chế công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến quá trình thu hồi đất để phát huy tối đa vai trò giám sát, phản biện của người dân cũng như bảo vệ những người chống tiêu cực.
MarketTimes: Xin cảm ơn bà!