Những năm trước khi gần đến tháng 7 âm lịch, sức mua của thị trường ôtô thường tăng mạnh bởi người dùng có xu hướng mua sắm các sản phẩm giá trị cao trước tháng Ngâu. Tuy nhiên năm nay, thị trường xe Việt Nam vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng doanh số dù các đại lý, hãng xe vẫn đang triển khai hàng loạt chương trình giảm giá nhằm kích cầu mua sắm.
Sức mua không tăng, chỉ giảm
Theo khảo sát của Tri thức trực tuyến, cùng kỳ năm ngoái khách hàng phải chi thêm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng phí "bia kèm lạc" nhằm nhanh chóng nhận xe trước tháng 7 âm lịch. Thời điểm đó, chia sẻ với phóng viên, anh Duy Tân (Gia Lai) đã mất thêm 50-100 triệu đồng nhằm đẩy nhanh quá trình nhận chiếc Hyundai Santa Fe để tránh "tháng cô hồn".
Báo giá lăn bánh gửi tới anh Tân ghi rõ khoản chênh lệch 50 triệu đồng dưới dạng gói phụ kiện bắt buộc. Đây là hình thức bán hàng kiểu "bia kèm lạc", xuất hiện phổ biến vào khoảng quý II-IV/2022.
Tuy nhiên đến năm nay, tình trạng "bia kèm lạc" gần như biến mất. Các đại lý, nhân viên tư vấn tranh nhau giảm giá nhưng vẫn không thể kéo khách. Nhiều người dùng sẵn sàng hoãn thời gian mua xe nhằm tránh tháng "cô hồn" cũng như chờ đợi đợt giảm giá, hỗ trợ lệ phí trước bạ sắp đến.
Anh Bá Lợi (TP.HCM) cho biết đã có ý định đặt cọc chiếc Toyota Raize nhằm phục vụ công việc trong năm nay. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn cũng như nỗi lo xe mới "trượt giá", nam thanh niên đã tạm hoãn kế hoạch mua xế hộp để chờ đợi cho đợt giảm giá kế tiếp.
"Ban đầu tôi dự tính mua xe vào tháng 5 hoặc tháng 6 để chuẩn bị cho đợt nghỉ hè của cả gia đình. Nhưng gần đây giá xe giảm liên tục, tháng sau giảm sâu hơn tháng trước nên vợ chồng tôi cũng lo ngại. Gần đến tháng 7 âm lịch nên chúng tôi quyết định tạm hoãn kế hoạch để tiết kiệm chi phí, biết đâu được lợi hơn nếu xe lại giảm", anh Lợi chia sẻ thêm.
Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Việt, nhân viên tư vấn tại một đại lý Suzuki khu vực TP.HCM, cho biết lượng khách tìm mua ôtô từ đầu năm đến nay chưa thể tăng. So với những năm trước, khách hàng đặt cọc để mua xe trước tháng "cô hồn" đã giảm đến gần 50%.
"Mấy năm trước gần tháng cô hồn xe bán rất chạy vì khách hàng tranh thủ mua nhưng năm nay dù gần đến tháng 7 âm lịch mà vẫn không có khách. Đại lý cũng đã khuyến mại và bản thân nhân viên tư vấn cũng cắt hoa hồng để giảm giá thêm nhưng lượng khách không tăng", anh Việt chia sẻ thêm.
Xe tồn kho nhiều nhưng lượng khách lại ít khiến nhiều nhân viên tư vấn bày tỏ lo lắng trước hàng loạt khoản chi phí sinh hoạt trước mắt. Theo anh Việt, một số đồng nghiệp của anh tại các đại lý, hãng xe khác phải làm thêm 2,3 công việc thậm chí bỏ nghề vì không thể trụ được.
Thị trường thứ cấp cũng lao đao
Không chỉ đại lý xe mới mà nhiều cơ sở kinh doanh ôtô đã qua sử dụng cũng ghi nhận tình trạng doanh số giảm mạnh trước thềm tháng 7 âm lịch. Trước đó, chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, anh Tú Nguyễn, chủ một cửa hàng kinh doanh xe cũ trên địa bàn quận 10 (TP.HCM), cũng cho biết tệp khách hàng mua và sử dụng ôtô cũ đã thay đổi từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, doanh số của cửa hàng không tăng mà vẫn giảm mạnh do ảnh hưởng từ tình trạng chung của toàn thị trường. Năm 2022 anh Tú có thể bán được đến 10 xe/tháng nhưng gần đây số lượng xe bán ra mỗi tháng giảm đến 40%.
"Doanh số nhiều tháng gần đây giảm mạnh, khoảng 40%. Tháng trước cả cửa hàng chỉ bán được 3 xe gồm 2 chiếc sedan và một chiếc Hyundai Grand i10", anh Tú chia sẻ thêm.
Tương tự anh Tú, anh Văn Hùng, chủ cơ sở kinh doanh ôtô đã qua sử dụng khu vực Hà Nội, cũng chia sẻ về tình hình khó khăn của cửa hàng trong nửa năm qua.
Theo anh Hùng, lượng khách tìm mua xe cũ cũng giảm mạnh, đặc biệt từ đầu quý II đến nay. Mỗi tuần cơ sở kinh doanh của anh chỉ bán được 1-2 xe, thậm chí có những tuần không bán được chiếc nào.
"Cửa hàng của tôi trong 5-6 tháng gần đây rất khó khăn do khách tìm mua xe ít, trong khi chi phí mặt bằng, nhân viên, quảng cáo không giảm. Doanh số hiện giảm rất sâu trong khi cùng thời điểm này vào năm trước lượng xe bán ra gấp gần 5 lần. Tôi đã phải cho một số nhân viên nghỉ việc để tiết kiệm chi phí", anh Hùng cho biết thêm.