Năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học, Bethany Clark chuyển về sống cùng bố mẹ, bởi chưa có nguồn thu nhập. Cô học tiếp để trở thành giáo viên. Thế nhưng, khi đã nhận được công việc giảng dạy, Clark vẫn không rời đi, thậm chí dự định sống với gia đình thêm 1-2 năm nữa.
“Tôi thấy việc chuyển đi mà không có tiền tiết kiệm là vô ích”, cô nói với Business Insider.
Clark không phải là trường hợp cá biệt. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, tỷ lệ thanh niên sống cùng gia đình đã tăng 87% trong hai thập kỷ qua và hơn 50% thanh niên trong độ tuổi 18-24 ở Mỹ đang sống cùng cha mẹ.
Cùng với đó, trong bối cảnh giá nhà ở leo thang hiện nay, các bậc phụ huynh cũng hiểu rằng việc con cái tiếp tục sống cùng nhà với mình là điều nên làm. Năm 2022, hơn 1/3 người thuộc Gen Z được hỏi trong cuộc khảo sát của tổ chức Freddie Mac nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu mua nhà.
Tuy nhiên, điều này đi kèm với những mặt trái nhất định. Sống tự lập được cho là bước quan trọng để trở thành người trưởng thành, và một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người trì hoãn việc xa gia đình sẽ phải đánh đổi cả về mặt tài chính và tinh thần.
Xu hướng 'không rời tổ'
Theo Business Insider, xu hướng này bắt đầu từ thị trường nhà ở. Năm 2022, công ty xếp hạng tín dụng Moody's cho biết trung bình một người thuê nhà ở Mỹ phải chi hơn 30% thu nhập của họ cho chi phí này. Điều này gây áp lực đáng kể lên những người thuê nhà trẻ tuổi nhất trên thị trường.
Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của Bloomberg và công ty nghiên cứu thị trường Harris Poll với 4.100 người trưởng thành, 70% người ở độ tuổi 18-29 đang sống với bố mẹ cho biết họ không thể có tài chính vững chắc nếu chọn ở nơi khác.
Còn kết quả cuộc khảo sát gần đây của nền tảng hỗ trợ tìm nhà thuê RentCafe, 41% Gen Z trưởng thành dự định sống cùng gia đình ít nhất 2 năm nữa.
“Tôi làm việc ở cùng khu vực gia đình sinh sống. Tôi không thể chuyển xuống cuối đường và trả tiền thuê nhà cắt cổ chỉ để có thêm một chút không gian”, Clark nói. Sau khi đưa một khoản tiền cho phụ huynh, cô vẫn có thể tiết kiệm phần lớn thu nhập của mình.
Ở tuổi 24, Amy Lewthwaite vẫn rời xa nơi gia đình cô sinh sống ở phía tây nam London (Anh). Hiện tại, cô có thể tiết kiệm được 30% thu nhập hàng tháng từ công việc làm công tác xã hội và đang cân nhắc mua một căn nhà với chị gái trong 1-2 năm tới.
Đối với những người như Lewthwaite, việc sống với bố mẹ thường được xem như một động thái tài chính thông minh.
"Nếu tôi chuyển ra ngoài và thuê một chỗ ngay bây giờ, tôi sẽ không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Tôi sẽ tiêu hết vào tiền thuê nhà" Lewthwaite nói.
Cũng trong cuộc khảo sát của Bloomberg và Harris Poll, 40% người trẻ tuổi nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc khi sống ở nhà, trong khi 1/3 nói rằng họ cảm thấy thông minh vì đã lựa chọn sống với gia đình. 87% trong số đó nghĩ mọi người không nên bị đánh giá vì sống ở nhà với cha mẹ.
"Tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ ý kiến tiêu cực nào về điều đó, ngay cả từ các thế hệ lớn tuổi. Khi chi phí sinh hoạt và nhà ở quá cao, mọi người đều thấu hiểu”, Clark nói.
Tiết kiệm nhưng phải đánh đổi
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với chuyện về sống chung với gia đình.
Số đông người Mỹ cảm thấy hoài nghi về việc thanh niên ở cùng bố mẹ, với hơn 1/3 cho rằng hành động này gây tác động xấu cho xã hội, theo một cuộc khảo sát của Pew thực hiện vào tháng 10/2021.
Một báo cáo năm 2019 từ Viện Đô thị học Mỹ phát hiện rằng những người ở độ tuổi 25-34 vẫn sống với phụ huynh ít có khả năng trở thành chủ sở hữu nhà riêng so với những người đã thuê hoặc mua nhà 10 năm sau đó.
Kéo theo đó là những gánh nặng tinh thần. Trong nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, những người chuyển về nhà cha mẹ đã báo cáo mức độ trầm cảm cao hơn đáng kể.
Một nghiên cứu khác vào năm 2022 cho thấy bầu không khí gia đình có thể trở nên căng thẳng hơn khi con cái quay trở lại sống cùng bố mẹ.
Theo Prabash Edirisingha, trợ lý giáo sư về văn hóa tiêu dùng và tiếp thị tại Đại học Northumbria (Newcastle, Anh), người trẻ vẫn sẽ muốn duy trì bản sắc cá nhân ngay cả khi sống cùng gia đình. Điều này đồng nghĩa cần thiết lập ranh giới mối quan hệ giữa người với người và không gian cá nhân.
"Tuy nhiên, đó sẽ là một thách thức lớn nếu họ sống trong một gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt ở không gian chật chội và đông đúc", ông Edirisingha nhận định.
Dù vậy, đối với Gen Z, khái niệm về "người trưởng thành" đang thay đổi. Theo Jeffrey Jensen Arnett, một giáo sư tâm lý tại Đại học Clark, hiện nay, việc người trẻ "rời khỏi tổ" và tìm kiếm sự độc lập bắt đầu ngày càng muộn.
"Điều này không có nghĩa là họ lười biếng, hay không muốn trưởng thành, cũng chẳng phải trốn tránh trách nhiệm của người trưởng thành. Chỉ đơn giản là thời đại đã thay đổi", ông nói thêm.