Báo cáo "Year in Search 2022"dành cho Việt Nam của Google cho thấy gần 30% người Việt (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức sau đại dịch. Thay vì chi tiêu tiết kiệm, dành tiền đầu tư, ngày càng có nhiều người chọn tiêu tiền để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cá nhân.
"Ai cũng chỉ có một đời để sống" (You only live once - Yolo) là lối sống đang được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Điều này vô tình khiến họ bị gắn mác "lãng phí", "có tầm nhìn ngắn hạn".
"Mới có chút tiền là ăn ngon, mặc đẹp, du lịch hưởng thụ, không nghĩ đến tương lai" - Đây là câu nói mà Khánh An thường xuyên nghe được. Cô gái 29 tuổi, ở Hà Nội, hiện đang công việc văn phòng trong ngành truyền thông.
Với mức thu nhập 8 chữ số, đã có nhà ở Hà Nội, Khánh An không gặp nhiều gánh nặng tài chính. Do đó, sau khi trích một khoản tiền gửi bố mẹ hàng tháng, cô tự tiết kiệm và chi tiêu cho bản thân.
Tháng vừa rồi, cô đã tiêu hơn 7 triệu VNĐ cho các chi phí cá nhân. Cụ thể là:
Mua màn hình máy tính mới: 3,5 triệu VNĐ
Mua quần áo, mỹ phẩm: 1,6 triệu VNĐ (Đây là khoản chi không thường xuyên, vì không phải tháng nào cũng cần mua mới.
Đăng ký thẻ tập gym: 500 nghìn VNĐ
Đi ăn nhà hàng, đi cafe để gặp gỡ bạn bè: 1,5 triệu VNĐ
"Chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân cũng rất quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta giải tỏa tinh thần, áp lực, lấy lại năng lượng và tình yêu cuộc sống", Khánh An cho biết.
"Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bị KPI ‘dí chạy tóe khói’, gặp khách hàng yêu cầu khó chịu, mình lại hẹn bạn bè đi ăn uống. Tâm sự, cười đùa với nhau một hồi, bức bối trong lòng cũng vơi đi nhiều."
"Có nhiều người chăm chăm tiết kiệm, tìm cách đầu tư, cuộc sống lúc nào cũng áp lực và bận rộn. Đến cuối cùng, dù có thành tựu trong sự nghiệp hay vật chất, họ lại ‘nghèo trải nghiệm’ đến đáng lo. Với tôi, sống như vậy thì khác gì cái vỏ không hồn?" - Cô gái 9x chia sẻ.
Mức độ cạnh tranh của các bạn trẻ hiện nay phải nói là rất lớn. Lượng kiến thức ngày càng lớn, yêu cầu năng lực ngày càng cao. Muốn sở hữu một công việc tốt, bên cạnh yếu tố may mắn, họ còn phải gồng mình lên cố gắng gấp 5, gấp 10 lần.
Với rất nhiều áp lực như vậy, quả thật, nếu không tìm được một phương pháp để giải tỏa, rất ít người có thể trụ vững trong guồng quay cuộc sống.
Đó cũng là lý do mà Nguyễn Huế (30 tuổi, đến từ Thanh Hóa) quyết tâm "săn" bằng được chiếc vé concert của thần tượng. Cô cho biết: "Nhiều bạn bè sẵn sàng bỏ 15-20 triệu đồng để sang nước ngoài xem concert nhưng tôi chưa dám. Nay thần tượng về hẳn Việt Nam để tổ chức, đỡ tốn kém chi phí đi lại, ăn ở, đúng là cơ hội tốt."
Trước đó, khi có nhiều luồng thông tin không tốt trên mạng xã hội, Huế vô cùng phân vân. Mãi cho đến sáng nay, các tin đồn dần được đính chính, chất lượng concert được đảm bảo, cô bày tỏ quyết tâm "săn vé" đến cùng.
"Đối với tôi, đó là một bài toán chi phí mang tính win-win. Nếu ở các concert khác, tôi phải phân vân khá nhiều giữa khu vực ghế ngồi thường nằm khá xa sân khấu, với khu vực chỗ đứng dễ mỏi chân, đau lưng và vô cùng chen lấn. Còn với concert lần này, có rất nhiều ghế ngồi sát sân khấu, tha hồ lựa chọn, phù hợp với sức khỏe của mình.
Bên cạnh đó, có người bỏ ra 10 triệu đồng mua một bộ quần áo, một cái túi xách. Có người đi ‘tút tát’ ô tô 1 lần cũng hết vài chục triệu. Có người thì dùng số tiền đấy để đi du lịch nghỉ dưỡng. Nhìn chung, họ đều sẵn lòng phục vụ nhu cầu cá nhân của bản thân, đổi lấy niềm vui và sự tiện lợi. Tôi không thích ô tô, không thích đồ hàng hiệu, lại không có thời gian du lịch, vậy dùng 10 triệu đó để đổi lấy 1 đêm concert, hòa mình trong âm nhạc yêu thích, hát vang trời với những người mình thương. Nếu từng đi concert hay bất cứ lễ hội âm nhạc nào, bạn sẽ hiểu khái niệm ‘năng lượng chữa lành’ mà tôi đang nói."
Còn với H.T (sinh năm 94, Hà Nội), "chữa lành" đơn giản là cho phép bản thân xin từ chức, sau 3 tháng chịu đựng môi trường làm việc không phù hợp.
"Nguyên nhân chủ yếu? Chắc vì tôi và sếp không hợp, từ phong cách làm việc cho tới những chi tiết nhỏ khác. Nói chung là, tôi có cảm giác sếp không ưa mình, và mình cũng vậy", H.T kể lại.
Trước khi chính thức đưa ra quyết định, H.T cũng cân nhắc rất lâu giữa các ưu và nhược điểm.
Cuối cùng, dù biết gánh nặng về chi phí sẽ gia tăng, cô vẫn hạ quyết tâm.
"Nói thật, gia đình có nhà cửa đàng hoàng hết rồi, tôi còn độc thân, chưa phải nuôi ai. Thế nên, nhiệm vụ cha mẹ đề ra hiện nay chỉ có: Nuôi tốt chính mình. Đợt trước, thấy con gầy gò xanh xao quá, mẹ còn lắc đầu bảo tôi: ‘Nhà mình có thiếu ăn thiếu mặc đâu, mà con phải làm ngày làm đêm như thế. Uống thuốc còn nhiều hơn cả mẹ!’ Nghe mẹ nói xong, tôi trằn trọc suy nghĩ cả đêm, cuối cùng cũng quyết định xin nghỉ."
"Với khoản tiết kiệm cá nhân hiện nay, tôi vẫn có thể sống tốt trong 1 năm mà không phải làm việc. Nhưng tôi dự định sẽ nghỉ dài hơi khoảng 1-2 tháng để chữa lành bản thân, sau đó mới tính tiếp. Trong thời gian đó, tôi vẫn nhận một số công việc làm thêm, có đồng ra đồng vào, chẳng ảnh hưởng gì tới chất lượng sống", độc lập về tài chính nên cô gái Hà Nội có thể tự đưa ra quyết định nhanh chóng.