Nhiều người có đam mê đối với những mô hình mini. Họ chi trả số tiền lớn mua nguyên liệu, không ngại dành nhiều thời gian cho thú vui của mình.
"Nếu không được giới thiệu, tôi cứ nghĩ đây là sạp rau củ thật ngoài chợ".
"Thật đến từng chi tiết, bạn khéo tay quá".
Đó là 2 trong nhiều bình luận mà cộng đồng mạng gửi đến Như Quỳnh (32 tuổi, quận Gia Lâm, Hà Nội) khi cô khoe "gia tài" là sạp rau củ và tiệm bánh mini.
Ngắm nhìn những kệ hàng bày la liệt trái cây, bánh ngọt..., mọi người đều ngạc nhiên khi biết đây là sản phẩm được làm từ màu nước và đất sét.
Chia sẻ với Zing, Như Quỳnh cho biết mình gắn bó với bộ môn làm mô hình mini hơn 10 năm qua, khi còn là sinh viên đại học.
Ngày đó, cô vô tình có được mô hình một chiếc kẹo mút làm từ đất sét. Món đồ chơi được nhào nặn tinh xảo trở thành nguồn cảm hứng của cô cho đến hiện tại.
Sau khi tìm hiểu, cô được biết bộ môn này có tên là miniature, nghĩa là những vật mỹ nghệ nhỏ rất tinh xảo.
"Bộ môn này được gọi là Miniature, nghĩa là làm những vật mỹ nghệ với kích thước rất nhỏ. Tính đến nay, tôi đã làm được khoảng 1.000 sản phẩm và có hơn 10 căn nhà búp bê mini. Tôi chưa từng ước tính cụ thể số tiền mình đã chi để theo đuổi đam mê, nhưng có lẽ đã lên đến hàng trăm triệu đồng", Như Quỳnh tâm sự.
Thú chơi kỳ công, tỉ mỉ
Như Quỳnh hóm hỉnh gọi thú vui của mình là "nghịch đất sét". Từ khi mới bắt đầu, cô đã đặc biệt say mê tạo hình các loại đồ ăn, thực phẩm thay vì các mô hình khác.
Các tiêu bản mini của Như Quỳnh chỉ có tỉ lệ bằng 1:12 đồ thật. Sản phẩm lớn nhất cô từng làm có chiều dài 2,5 cm, nhỏ nhất chỉ 0,2 cm. Những chi tiết như hạt xôi, cọng hành... đều được cô cố gắng mô phỏng sao cho chân thực nhất.
"Quá trình làm ra một mô hình rất kỳ công và tỉ mỉ. Đầu tiên, tôi phải lọc hàng chục loại màu khác nhau để chọn ra những loại phù hợp nhất với đất sét, không bị phai theo thời gian. Bước thứ 2, tôi sử dụng nhiều dụng cụ như gỗ, kim loại và silicon để tạo hình cho sản phẩm, sau đó dặm màu đậm nhạt. Cuối cùng, những mô hình mini sẽ được quét một lớp phủ bảo vệ", cô giải thích.
Thông thường, Như Quỳnh mất khoảng 4-5 tiếng để hoàn thiện một sản phẩm đồ ăn như trái cây, bánh ngọt... Tuy nhiên, có những món cầu kỳ, cô mất đến vài ngày mới làm xong. Trong khi thực hiện mô hình, cô luôn đặt song song một mẫu vật thật để tiện quan sát và thể hiện được chuẩn tỉ lệ cũng như hình dáng, màu sắc.
Quỳnh tiết lộ sản phẩm càng nhỏ, cô càng phải tập trung vào tiểu tiết để đạt được độ chân thực nhất.
"Ví dụ, quả bí đỏ của tôi hiện lên vết thâm của nhựa bí, chiếc rổ đựng trái cây phải có những quả xanh, chín không đều nhau. Hay với bắp ngô, tôi phải nặn từng hạt, tạo khuôn phôi, rồi tỉ mỉ xếp từng hạt bắp. Râu ngô trông mảnh như thật là do được làm từ tóc búp bê...", cô kể lại.
Tạo hình rau củ đã khó, nhưng làm các loại đồ ăn mới thực sự là thách thức đối với Như Quỳnh bởi chúng có nhiều kết cấu.
Với mô hình một chiếc bánh kem, cô phải chuẩn bị nguyên liệu đất sét từ cốt bánh tới phần kem nền, cuối cùng là tạo hình, tỉa và trang trí. Cô cho rằng muốn gây ấn tượng đặc biệt đến người xem, sản phẩm phải chân thật từ trong ra ngoài.
Những chiếc bánh quy được Như Quỳnh nặn bằng đất sét.
Giống với Như Quỳnh, Thái Trinh (29 tuổi, Vũng Tàu) cũng bắt đầu mày mò làm các mô hình nhà bếp mini từ khi còn là sinh viên.
Các mô hình cô làm thường có tỉ lệ 1:6. Tuy nhiên, mới nhìn thoáng qua, ít ai nghĩ đây là đồ chơi bởi độ tiện nghi không kém gì bếp thật.
Căn bếp mini của Thái Trinh chỉ cao khoảng 20 cm nhưng có đầy tủ chén lớn, nhỏ, tủ đựng gia vị và một bàn ăn 4 chỗ ngồi.
Mô hình bếp của Thái Trinh được nặn tay tỉ mỉ từ tủ, kệ cho đến các món đồ trang trí cùng chai lọ gia vị.
Bên trong tủ bếp, cô xếp ngăn nắp các thiết bị, xoong chảo và nhiều phụ kiện như rổ, đồ hộp, lọ gia vị.... Trần bếp còn được trang bị cả hệ thống đèn led màu vàng để soi rõ từng chi tiết nhỏ.
Thời gian Thái Trinh hoàn thiện mỗi mô hình tùy vào độ khó của sản phẩm và khả năng tập trung. Trung bình, cô mất khoảng 2 tuần đến một tháng để cho ra một món đồ mini như kệ bếp, bộ bàn ăn... Song cũng có những vật dụng đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn như thiết bị điện tử..., cô dành cả một năm mới hoàn thành.
Trong khi đó, Trương Bộ (24 tuổi, Hà Nội) và Đình Hùng (33 tuổi, Hà Nội) lại hứng thú với các mô hình, tiểu cảnh đền chùa.
Tuổi đời còn trẻ, tuy nhiên thời gian gắn bó của Bộ với tiểu cảnh đã lên đến hơn một thập kỷ. Khi mới lên 7 tuổi, anh kỳ công xây dựng mô hình chùa Một Cột ngay tại khuôn viên sân nhà. Phải đi học vào lúc 7 giờ, chàng trai dậy từ 3 giờ sáng để chăm chút cho mô hình tí hon làm từ xi-măng.
Trương Bộ có đam mê đối với bộ môn tạo hình tiểu cảnh từ khi còn nhỏ.
Còn Đinh Hùng thậm chí đã từ bỏ một công việc có thu nhập ổn định để dành toàn bộ tâm huyết cho tiểu cảnh.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết thời gian phục dựng một mô hình đền, chùa ngang với việc xây một ngôi nhà một tầng.
Với công trình Ngọ Môn làm từ chất liệu nhựa resin, Hùng tham khảo tài liệu và dựng 3D hết hơn 4 tháng. Sau đó, anh đã dành trọn vẹn 2 ngày không ngủ cho quá trình sơn sửa và hoàn thiện.
Những mô hình của Đinh Hùng được dựng 3D trên máy tính, sau đó hoàn thiện thủ công.
Không ngại đầu tư
Khi mới bắt đầu làm mô hình đồ ăn, rau củ mini, Như Quỳnh sử dụng loại đất sét nhập khẩu từ Thái Lan.
Tuy nhiên, hiệu ứng của loại đất này không được như mong đợi nên cô chuyển sang đất sét chuyên nghiệp của Nhật Bản với giá mua khoảng 800.000-900.000 đồng/viên. Nhiều nguyên liệu khác phải đặt mua từ nước ngoài, giá khá cao và mất nhiều thời gian vận chuyển.
Ngoài ra, cô phải mua đồng bộ cả bảng màu trộn, màu sơn phủ với khoảng vài chục đến vài trăm lọ. Những mô hình bánh ngọt còn cần đầu tư thêm nước sốt, đường giả, kem phủ, cô cũng cần đầu tư với giá khoảng 300.000 đồng/lọ để cho ra sản phẩm giống thật nhất.
Nhiều người coi nặn đất sét là thú chơi phù phiếm, nhưng Như Quỳnh lại thấy đây là bộ môn nghệ thuật xứng đáng bỏ tiền bạc và công sức.
"Đồ chơi đất nặn rất khác với những loại có thể đúc khuôn, sản xuất hàng loạt. Từ mỗi sản phẩm, bạn có thể thấy được sự khéo léo, óc quan sát và nhạy cảm với màu sắc của người làm", cô tâm sự.
Trong khi đó, để làm ra những mô hình nhà bếp sinh động như thật, Thái Trinh phải sưu tầm từng nguyên liệu từ hãng đồ chơi cao cấp Nhật Bản trong nhiều năm. Đến hiện tại, cô ước tính đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho 14 mô hình bếp hoàn chỉnh.
Sản phẩm được công nhận, nhưng Trinh rất ít nhận đơn đặt hàng vì ngại để mọi người chờ đợi lâu.
"Khách hàng của tôi là những bạn có cùng đam mê sưu tầm và rất hiểu thợ, chịu chờ đợi. Giá một sản phẩm sẽ tùy vào độ khó và thời gian hoàn thiện, thường rơi vào khoảng 4-6 triệu đồng và có thể cao hơn", cô cho hay.
Với Trương Bộ, tiểu cảnh không chỉ là thú chơi mà còn là công việc chính thức. Bởi vậy, anh dồn toàn bộ tâm huyết và năng lực sáng tạo cho các mô hình. Mức giá trung bình của mỗi sản phẩm anh làm khoảng 5-7 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng.
Trương Bộ cũng cho biết số tiền kiếm được từ công việc này không nhiều, nhưng cũng giúp anh đủ trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng đam mê.