Tham luận tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex so sánh chính sách hỗ trợ của Việt Nam với các quốc gia cạnh tranh để đưa ra kiến nghị.
Ông Trường cho biết hiện Vinatex đang chiếm 5% lao động toàn ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu trên 8% toàn ngành.
Ông Trường thông tin hiện nay lãi suất của các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay khoảng 3,5%/năm.
Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là lãi suất thực dương nhất trong các nước xuất khẩu dệt may.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tốt thuộc Vinatex hiện nay chịu lãi suất khoảng 7%/năm còn doanh nghiệp xấu thì 9%/năm.
"Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024".
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Ông Trường dẫn số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của Vinatex trong năm 2023 cho thấy chi phí lãi vay phải trả cho các ngân hàng tăng 10% so với năm trong khi tổng dư nợ giảm 11%.
“Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả năm 2023 tăng 30%. Dựa trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1 và 2/2024 cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023”, Chủ tịch Vinatex trần tình.
Ông Trường cho biết hiện nay các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng không có khăn trong tiếp cận tín dụng nhưng các doanh nghiệp sợi đang bi đát.
Theo Chủ tịch Vinatex, năm 2023, các ngân hàng chỉ yêu cầu 20% tài sản bảo đảm/khoản vay. Nếu doanh nghiệp sợ không có tài sản bảo đảm thì áp dụng chính sách trả được 10 phần mới tái cấp vốn 8 hoặc 9 phần.
Hiện nay, lãi suất cho vay các doanh nghiệp sợi tại ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khoảng 7%/năm, ngân hàng tư nhân là 9%/năm.
Ngoài các chính sách tín dụng, ông Trường cũng kiến nghị chính sách hỗ trợ khác như giá điện, bảo hiểm y tế và lương tối thiểu.
“Chẳng hạn Trung Quốc đang hỗ trợ rất mạnh giá điện. Đối với ngành sợi, Trung Quốc đang áp dụng 4 cent/kw, chỉ bằng 50% giá của Việt Nam và áp dụng hỗ trợ 50% giá vận tải nội địa, kể từ 1/3/2023 đến giờ. Trong khi Banglades vẫn áp dụng chính sách không bắt buộc bảo hiểm y tế và lương tối thiểu rất thấp", ông Lê Tiến Trường nêu.
Theo ông Trường, ngành sợi đang duy trì việc làm cho 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD/năm, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện. Khó khăn hiện nay là do chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi thế giới đều bị như vậy nên cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất.