Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (3/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lập đỉnh mới của 16 năm, làm dấy lên mối lo rằng lãi suất cao sẽ khiến thị trường bất động sản tê liệt và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giá dầu thô tăng trở lại do triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt, sau khi giảm xuống đáy 3 tuần dưới sức ép từ lãi suất và tỷ giá đồng USD duy trì xu hướng tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 430,97 điểm, tương đương giảm 1,29%, còn 33.002,38 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,37%, còn 4.229,45 điểm. Trong phiên, có thời điểm thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Áp giảm mạnh nhất rơi vào Nasdaq, khiến chỉ số này mất 1,87%, còn 13.059,47 điểm. Nasdaq có một tỷ trọng lớn các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng - đối tượng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất trong môi trường lãi suất tăng cao.
Với phiên giảm này, Dow Jones không những đánh mất hết thành quả tăng mà còn chuyển sang trạng thái giảm nếu tính từ đầu năm đến nay, với mức giảm 0,4%. Tuy nhiên, S&P 500 hiện vẫn tăng 10% trong cùng khoảng thời gian.
Duy trì xu hướng tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,8% trong phiên ngày thứ Ba, mức cao nhất mới kể từ năm 2007. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng gần như liên tục trong 1 tháng qua, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng lên mức 4,925%, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2007. Mức lãi suất bình quân của các khoản vay thế chấp nhà, lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm đang lên tới gần 8%/năm.
Yếu tố mùa vụ cũng không đứng về phía các nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vào thời điểm này. Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty tư vấn Independent Advisor Alliance nói rằng sự suy yếu mang tính chất mùa vụ của thị trường trong tháng 9 và tháng 10 hàng năm là điều “tương đối bình thường”.
Dù vậy, ông Zaccarelli cũng nhấn mạnh rằng mối lo về lãi suất cao hơn lâu hơn có thể đồng nghĩa với áp lực giảm tiếp diễn đối với thị trường. “Mối đe dọa lớn hơn đối với cổ phiếu hiện nay là vấn đề lãi suất. Việc bán tháo trái phiếu phải dừng lại, thị trường trái phiếu phải tìm được điểm cân bằng, thì thị trường cổ phiếu may ra mới tìm được đáy”, ông nói với hãng tin CNBC.
Cùng quan điểm trên, Giám đốc đầu tư Alex McGrath của công ty quản lý tài sản NorthEnd Private Wealth nói rằng xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu đặt ra “một trở ngại lớn đối với cổ phiếu”.
Điều này được thể hiện rõ trong phiên ngày thứ Ba, với các chỉ số chứng khoán giảm sâu hơn mỗi khi lợi suất trái phiếu lên cao hơn.
Động lực mới nhất cho xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ là một báo cáo về thị trường việc làm. Dữ liệu về số lượng việc làm cần tuyển dụng trong nền kinh tế Mỹ tháng 8 cho thấy có 9,6 triệu vị trí cần tuyển - một số lượng công việc lớn hơn dự báo và là tín hiệu về một thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Trước khi báo cáo được công bố, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo con số 8,8 triệu công việc cần tuyển.
Thị trường lao động còn vững sẽ là một cơ sở quan trọng để Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Phản ánh tâm trạng bất an của nhà đầu tư, chỉ số CBOE Volatility Index đo lường biến động trên thị trường tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Sự gia tăng của chỉ số này cho thấy nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều bấp bênh đang đón đợi họ ở phía trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,21 USD/thùng, chốt ở mức 90,92 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm còn 89,5 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hôm 8/9.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,41 USD/thùng, chốt ở 89,23 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm còn 87,76 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/9.
Dầu tụt giá trong phiên vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD lập đỉnh mới của 10 tháng do kỳ vọng lãi suất Fed cao hơn lâu hơn. “Chúng ta đã chứng kiến đà tăng khó tin của lợi suất và tỷ giá đồng USD, và điều đó dẫn tới lo ngại về nhu cầu dầu trong tương lai”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định với hãng tin Reuters.
Tỷ giá USD tăng khiến cho dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng sử dụng các đồng tiền khác để mua dầu, vì dầu được định giá bằng USD, từ đó dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu. Lãi suất tăng có thể gây suy yếu tăng trưởng kinh tế, cũng khiến nhu cầu dầu giảm bớt.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc Nga và Saudi Arabia vào tháng trước tuyên bố gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu/ngày cho tới hết năm nay. Thị trường đang chờ các số liệu mới sản lượng dầu thực tế của các nước xuất khẩu dầu hàng đầu này để đánh giá về mức độ thắt chặt của nguồn cung.