Khủng hoảng đăng kiểm tại Việt Nam đang gây ảnh hưởng nhiều đến không chỉ người dân mà còn các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp... Nếu không thay đổi các quy định hiện hành, quá trình đăng kiểm sẽ là gánh nặng về chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Zing giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Lan Hương, từ Đại học Indiana (Mỹ) về khủng hoảng đăng kiếm dưới góc nhìn kinh tế học. Bài viết có nhiều so sánh với các quy định đăng kiểm quốc tế, là bài học có thể tham khảo với Việt Nam.
Chi phí đăng kiểm cao bất thường
Hệ thống đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng và dẫn tới những tác động kinh tế xã hội rất lớn nếu xét đến số lượng khoảng 5 triệu ôtô cần được đăng kiểm hàng năm của các gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở mọi ngành lĩnh vực.
Những vi phạm và gian lận cố ý của các trung tâm đăng kiểm cả công và tư có nguyên nhân chủ quan do lòng tham và sự yếu kém về quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng cũng có cả nguyên nhân sâu xa nằm ở hệ thống quy định hiện hành. Đặc biệt là các yêu cầu điều kiện hoạt động kinh doanh đang áp đặt chi phí tuân thủ quá cao đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này khiến cho chi phí hoạt động rất cao.
Về tổng thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam đều cho rằng mức phí đăng kiểm hiện nay đang quá thấp, không đủ bù đắp chi phí. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, chi phí thực hiện đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ so với thu nhập ở Việt Nam đang cao bất thường.
Ví dụ, chi phí kiểm định xe tại bang New York (Mỹ) chỉ khoảng 6-15 USD (tương đương 150.000-350.000 đồng) đối với xe dưới 15 chỗ, tải trọng dưới 8,2 tấn; chỉ khoảng 12-20 USD (khoảng 300.000-500.000 đồng) đối với xe từ 15 chỗ trở lên, tải trọng trên 8,2 tấn.
Trong khi chi phí tại Việt Nam vào khoảng 250.000-570.000 đồng, tương đương 10,6-24,2 USD, cao hơn mức phí áp dụng ở New York. Xem xét tỷ lệ phí kiểm định/thu nhập của Việt Nam và bang New York (Mỹ) cho thấy tỷ lệ phí kiểm định/thu nhập của Việt Nam cao hơn 34-48 lần so với tỷ lệ phí kiểm định/thu nhập áp dụng tại bang New York.
Lãng phí khi đăng kiểm ôtô mới
Kết quả rà soát các quy định liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho thấy một số bất cập nổi bật.
Thứ nhất, bất cập về chu kỳ đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Các loại phương tiện giao thông đều phải thực hiện kiểm định trước khi lăn bánh, chu kỳ kiểm định lần đầu thay đổi trong vòng 12-30 tháng trong khi chu kỳ kiểm định định kỳ biến động từ 3-6-12-18 tháng tùy loại phương tiện.
Như vậy, ôtô chở người các loại đến 9 chỗ dù phục vụ mục đích kinh doanh hay không phục vụ mục đích kinh doanh ở Việt Nam đều phải thực hiện đăng kiểm ngay cả với xe mới chưa qua sử dụng.
Đây là thủ tục chưa hợp lý, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân vì xe mới từ hãng bán ra thị trường ra đã phải trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra đảm bảo tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trong khi việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang cấp khoảng 16 các giấy chứng nhận liên quan đến việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của thiết kế, linh kiện, động cơ, xe nguyên chiếc đối với các chủng loại xe khác nhau.
Trong khi đó, tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,17-0,31% (theo dữ liệu trong thời gian tháng 6-11/2022. Xem xét thông lệ tốt của quốc tế cũng cho thấy, việc yêu cầu khi đăng ký xe mới lần đầu là sự lãng phí nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, EU, Nhật Bản đều không yêu cầu kiểm định đối với xe ôtô mới chở người khi đăng ký xe lần đầu trong vòng 3-4 năm kể từ ngày sản xuất.
Thứ hai, bất cập yêu cầu điều kiện kinh doanh về diện tích của trung tâm đăng kiểm dẫn tới chi phí hoạt động cao. Theo quy định, đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2; đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2...
Quy định yêu cầu diện tích tối thiểu này gây lãng phí diện tích và tăng chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, dẫn tới giá thành cao và chi phí cao để thực hiện đăng kiểm ô tô cho xã hội. Quy định này cũng áp dụng không phân biệt giữa trung tâm đặt tại đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có mật độ dân số, nhu cầu sử dụng dịch vụ cũng như chi phí thuê mặt bằng diện tích rất chênh lệch.
Tại New York, Mỹ yêu cầu điều kiện đối với diện tích mặt bằng kiểm định thấp hơn rất nhiều lần so với quy định của Việt Nam. Theo đó, chỉ yêu cầu diện tích tối thiểu xấp xỉ 30 m2 với trạm kiểm định loại 1 đặt tại khu vực có dân số dưới 10.000 dân.
Nhiều quy định rườm rà với nhân lực đăng kiểm
Thứ ba, yêu cầu điều kiện về nhân lực của trung tâm đăng kiểm là lãng phí nguồn nhân lực, tăng chi phí lao động và hạn chế việc đầu tư áp dụng máy móc thiết bị kiểm định tự động của doanh nghiệp. Theo quy định, mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao...
Việc quy định mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên là sự dư thừa và lãng phí về nhân lực cũng như hạn chế việc áp dụng máy móc thiết bị kiểm tra tự động để góp phần tăng độ chính xác, hạn chế tiêu cực, chủ quan trong cách thức kiểm định.
Bên cạnh đó, các nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra cũng dựa chủ yếu vào con người thông qua các yêu cầu chính là “nhìn, sờ, gõ, nghe” hay “quan sát kết hợp dùng tay lay lắc”.
Việc Việt Nam quy định số lượng nhân sự tối thiểu đối với mỗi dây chuyển kiểm định như trên không có tác dụng khuyến khích mà còn hạn chế doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ, máy móc trang thiết bị hiện đại vào hoạt động kiểm định nhằm nâng cao tính chính xác, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của trung tâm.
Yêu cầu điều kiện hoạt động về nhân sự tại đơn vị kiểm định ở Việt Nam đang khó khăn, chặt chẽ gấp nhiều lần so với Mỹ. Bang New York yêu cầu đơn vị kiểm định phải luôn tuyển dụng ít nhất một đăng kiểm viên có chứng chỉ toàn thời gian.
Đăng kiểm viên này có thể là nhân viên của đơn vị đăng kiểm hoặc là chủ đăng ký hoạt động đăng kiểm hoặc người chủ đơn vị đăng kiểm có thể ký hợp đồng thuê dịch vụ đăng kiểm. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người chủ đơn vị đăng kiểm được cấp phép chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động kiểm tra của nhà thầu.
Tương tự, tại Canada, trạm đăng kiểm cũng chỉ cần tuyển dụng ít nhất một thợ cơ khí có chứng chỉ thuộc một trong các lĩnh vực cơ khí sửa chữa ôtô; cơ khí sửa chữa hệ thống lái, giảm xóc và phanh; sửa chữa ôtô...
Đồng thời, yêu cầu điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới của Việt Nam hiện nay cũng còn bất cập và hình thức, nặng tính bằng cấp. Các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Canada quy định kiểm định viên thường là thợ cơ khí, có thời gian thực hành hoạt động sửa chữa ôtô tối thiểu một năm hoặc tối thiểu 6 tháng kết hợp với 6 tháng thực hành phụ việc kiểm định viên bên cạnh yêu cầu có bằng lái xe ôtô còn hiệu lực.
Thứ tư là bất cập về quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Điều này làm giảm khả năng chia sẻ máy móc và đội ngũ nhân sự, thợ cơ khí lành nghề; giảm khả năng tăng độ bao phủ của các trạm cung cấp dịch vụ kiểm định không chỉ ở thành thị mà còn ở các địa bàn nông thôn, vùng xa đang có sẵn các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô.
Tại các nước đang phát triển ngay trong khu vực ASEAN như Thái Lan, hay các nước phát triển như Mỹ, Canada, EU, Hàn Quốc... có thể có 3 mô hình hoạt động của trạm đăng kiểm bao gồm: Chỉ phục vụ kiểm định phương tiện dịch vụ; thực hiện dịch vụ kiểm định như một dịch vụ phụ trợ của các trung tâm bảo dưỡng ôtô lớn, thực hiện dịch vụ kiểm định như một dịch vụ phụ trợ của các gara sửa chữa ôtô nhỏ.
Tại Mỹ, luật quy định rõ “trạm đăng kiểm không bắt buộc phải thực hiện sửa chữa các hạng mục bị lỗi khiến xe bị từ chối cấp chứng chỉ đạt kiểm định". Tuy nhiên, nếu trạm không thực hiện sửa chữa, trạm phải thông báo cho chủ xe về chính sách này trước khi bắt đầu kiểm tra. Trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, trạm phải treo một biển báo nổi bật mà người lái xe có thể nhìn thấy và cũng phải thông báo cho chủ xe bằng văn bản được chủ xe ký xác nhận đã đọc hiểu nội dung này.
Việc cho phép các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ôtô tham gia kiểm định có ưu điểm rất lớn trong việc chia sẻ máy móc và đội ngũ nhân sự, thợ cơ khí lành nghề, giúp tăng độ bao phủ của các trạm cung cấp dịch vụ kiểm định không chỉ ở thành thị mà còn ở các địa bàn nông thôn, vùng xa đang có sẵn các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, từ đó giúp nâng cao chất lượng kiểm định với chi phí kiểm định thấp hơn cho xã hội.
Thay vì quy định cấm, Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia khác trong việc hoàn thiện nội dung, phương pháp và tiêu chí đánh giá theo hướng thực chất ngắn gọn hơn và ít tính cảm tính hơn, áp dụng nhiều máy móc thiết bị đo lường khách quan hơn, đồng thời áp dụng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá việc tuân thủ quy định từ góc độ của cơ quan quản lý, khách hàng (chủ xe) và xã hội.