Ngày 4/1, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023" để nhìn lại những yếu tố cơ bản tạo nên bức tranh thị trường, giá cả trong thời gian qua, từ đó dự báo các xu hướng, cơ hội và thách thức trong thời gian tới.
Lý do Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy lạm phát trên thế giới
Nhắc lại kinh tế thế giới năm 2022 diễn ra với nhiều sự kiện bất ngờ, bất thường, PGS. TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết đầu tiên, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến cho giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là giá dầu thô, giá khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng, giá phân bón đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Ở nhiều nước phương Tây, lạm phát đã tăng lên mức trên dưới 10%, cao nhất trong khoảng 30 - 40 năm trở lại đây.
Tiếp đó, để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh chưa từng thấy, kể từ thập niên 1980. Đồng USD cũng tăng giá tới 20% trong 9 tháng đầu năm 2022, khiến tình hình lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.
"Kết quả, năm 2022 Việt Nam đạt được mục tiêu kép: GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 trong khi lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua", ông Việt đánh giá.
Lý giải lạm phát tại Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu là 4% và khá thấp nếu so sánh với các nước phát triển, điển hình là Mỹ, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho biết thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02% nhưng tính trung bình giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4,52%, tức thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6-6,5%.
"Điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa. Do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh, khi cung hàng hoá vẫn khá dồi dào. Đây là yếu tố kiềm chế giá cả của một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu", ông Độ nhấn mạnh.
Thứ hai, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tế năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa).
Cụ thể, từ ngày 11/7/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít, đối với dầu diesel chỉ còn 500 đồng/lít và chỉ còn 300 đồng/lít đối với dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND cũng được kiểm soát với mức mất giá khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực.
“Chinh sự thành công của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát cung tiền, lãi suất hợp lý có thể đảm bảo lạm phát dài hạn ổn định”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như dịch vụ y tế giáo dục và điển hình là giá điện.
"Việc tập trung vào các yếu tố chi phí đẩy chính là điểm khác biệt dẫn đến thành công của chính sách kiểm soát lạm phát tại Việt Nam so với nhiều nước khác trên thế giới trong năm 2022", ông Độ nhìn nhận.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, một điểm khác biệt nữa là lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ trên thực tế đã bắt đầu tăng tốc từ đầu năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại. Trong khi đó, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm và lạm phát cũng ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2021 tại Việt Nam chỉ ở mức 1,81% còn tại Mỹ đã là 7,1%.
Lạm phát hạ nhiệt nhưng không mất cảnh giác
Lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đang hạ nhiệt, trong đó, lạm phát của Mỹ đạt đỉnh ở mức 9% và hiện đang trong xu hướng giảm. Cũng theo xu hướng này, theo ông Nguyễn Đức Độ, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn.
"Trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi", ông Độ đánh giá.
Ông Độ nói thêm sở dĩ mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 được đặt ở mức 4,5%, cao hơn năm trước, do mục tiêu này được đưa ra tháng 10-11/2022 để Quốc hội thông qua. Thời điểm đó, áp lực tỷ giá rất lớn. Theo tính toán, tỷ giá tăng 1% thì CPI tăng 0,3%. Tuy nhiên, hiện tỷ giá giảm khá mạnh thì áp lực lạm phát giảm đáng kể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý lạm phát của Việt Nam so với cùng kỳ mặc dù thấp hơn so với Mỹ nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng. Hơn nữa, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ đang tăng khá nhanh, trung bình khoảng 0,41%/tháng, tương đương 4,99%/năm.
PGS. TS. Nguyễn Vũ Việt cũng lưu ý các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn khá lớn, bởi tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần.
Trong khi đó, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và châu Âu.
"Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid cùng các rủi ro liên quan đến xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể tạo áp lực đối với giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu trên thế giới trong thời gian tới. Tất cả những nguy cơ nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, giá cả và thị trường tại Việt Nam trong năm 2023", ông Việt đánh giá.