Không phải hào quang nào cũng kéo dài mãi mãi. Ngay cả các ông lớn trong ngành công nghệ cũng không thoát khỏi quy luật này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các nhà đầu tư không còn hứng thú với lĩnh vực này, thổi bay 2.000 tỷ USD vốn hóa. Họ lo ngại lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ kéo lĩnh vực công nghệ đi xuống vực thẳm.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, các công ty công nghệ như Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon đã đồng loạt công bố khoản lợi nhuận ấn tượng trong quý II/2022, cho thấy sự thống trị của họ trong bối cảnh thị trường xuống dốc. Những gã khổng lồ này cho thấy họ đã ngược dòng thị trường bất chấp rào cản của nền kinh tế toàn cầu.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Số liệu cho thấy mảng kinh doanh công nghệ đám mây của Microsoft và Amazon vẫn “làm nên ăn ra” giữa thời điểm thị trường chững lại. Trong khi đó, Google, công ty con của tập đoàn Alphabet, vẫn giữ thị phần lớn trong thị trường tìm kiếm trên Internet, điều hướng và phát trực tuyến video.
Trong đó, quảng cáo trên Google Search đã mang về phần lớn doanh thu cho hãng với 40,7 tỷ USD. Về phần mình, Apple lại có một quý kinh doanh thành công khi doanh thu và lợi nhuận đều vượt trên mức kỳ vọng của các nhà phân tích tại Phố Wall, đặc biệt là ở mảng kinh doanh iPhone và dịch vụ.
Chúng đều là những dấu hiệu cho thấy sau khi rơi xuống đáy, lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu hồi phục trở lại, Dave Harden, Giám đốc đầu tư tại Summit Global, nhận định.
“Bọn họ vẫn bán hàng và xoay sở tốt trong thời kỳ khó khăn hiện nay”, ông Harden cho biết.
Kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến đã giúp giá cổ phiếu của các tập đoàn tăng cao, khiến chuyên gia trên thị trường chứng khoán không khỏi bất ngờ.
Theo New York Times, báo cáo tài chính quý II đã cho thấy các tập đoàn không miễn nhiễm với những thách thức kinh tế như thiếu hụt chuỗi cung ứng, chi phí vận hành gia tăng và nhu cầu mua hàng của người dùng sụt giảm. Nhưng nhìn chung, tình hình kinh doanh của họ không bấp bênh như những công ty nhỏ hơn như Twitter hay Snap.
Trong cuộc họp với nhà phân tích, những lãnh đạo Big Tech đều cảnh báo các nhà đầu tư về tương lai ảm đạm đầy thách thức và sự bất ổn định trong những tháng sắp tới. Họ lo ngại một số yếu tố kinh tế sẽ tác động đến việc kinh doanh. Do đó, một số công ty, trong đó có Alphabet, đã hoãn đợt tuyển dụng mới nhưng vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Song, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai lại nhìn nhận nền kinh tế chững lại là một cơ hội tốt, đồng thời cho rằng công ty cần nâng cao tinh thần kinh doanh, đẩy mạnh tốc độ làm việc, tập trung và quyết liệt hơn.
"Khi đang trên đà tăng trưởng, một công ty khó có thể dành thời gian để điều chỉnh những thứ cần điều chỉnh", ông Pichai nói trong một cuộc họp cổ đông và trấn an: "Những giai đoạn như thế này cho chúng ta cơ hội đó".
Lạc quan về tương lai
Giữ tinh thần lạc quan tương tự, Microsoft cũng kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt hai con số trong năm tới, còn Amazon cho rằng doanh thu của họ sẽ tăng ít nhất 13% trong quý này.
Để làm được điều đó, CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư để nâng giá trị cổ phiếu và phát triển hoạt động kinh doanh. Giám đốc tài chính của Amazon, Brian Olsavsky, lại khẳng định hãng sẽ nhập nhiều mặt hàng hơn và tăng tốc độ vận chuyển.
“Đây không phải chỉ dấu cho sự lao dốc của giới công nghệ. Nếu vượt khỏi những khó khăn này, nhiều hoạt động kinh doanh của các tập đoàn sẽ lấy lại đà tăng trưởng và thành công rực rỡ”, Sean Stannard-Stockton, chủ tịch công ty đầu tư Ensemble Capital, nhận định.
Theo New York Times, Apple và Alphabet đã mua lại hàng chục tỷ USD cổ phần trong giai đoạn này. Cụ thể, nhà sản xuất iPhone và công ty mẹ Google đã lần lượt chi 21,7 tỷ USD và 15,2 tỷ USD để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư. Họ tin tưởng rằng mô hình kinh doanh của mình sẽ bùng nổ trong vài năm tới.
Meta, công ty mẹ của Facebook, lại nằm ngoài những dự báo tích cực này. Hãng đã đối diện với đà sụt giảm doanh thu đầu tiên trong vòng một thập kỷ trở lại. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ sự bành trướng của đối thủ TikTok và cập nhật bảo mật trên hệ điều hành iOS của Apple vào năm ngoái.
Mặt khác, giá cổ phiếu của Meta đã mất 50% giá trị kể từ đầu năm. Giới đầu tư lo ngại về mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến quan trọng của công ty khi nhiều khách hàng doanh nghiệp cắt giảm quảng cáo.
Những thách thức tương tự cũng xảy đến với thị trường thương mại điện tử. Thói quen tiêu dùng của người dùng đã thay đổi khi mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong thời kỳ giãn cách Covid-19, khiến Amazon nuôi tham vọng mở rộng sức chứa kho hàng của mình. Nhưng doanh số bán ra vẫn không mấy tiến triển, buộc họ phải đóng cửa ít nhất 35 nhà kho.
Trong khi đó, chướng ngại lớn nhất của Apple hiện tại là quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hồi tháng 4, hãng cảnh báo tình trạng các nhà máy đóng cửa sẽ làm thiệt hại khoảng 4- 8 tỷ USD doanh thu trong quý II. Nhưng tin tốt là doanh thu từ hoạt động bán iPhone vẫn tăng 3%, đồng thời đạt được mức kỷ lục về số người chuyển đổi thiết bị từ smartphone Android sang iPhone.
Theo CEO Tim Cook, gã khổng lồ công nghệ đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức đến từ chuỗi cung ứng, chính sách đồng USD mạnh làm giá thành thiết bị tăng cao và thị trường toàn cầu chậm phát triển.
“Nhìn lại loạt thách thức trong quý vừa qua, chúng tôi rất vui mừng vì vẫn có thể tăng trưởng vượt mức kỳ vọng”, ông nói. Vị CEO còn cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục mạnh tay trong các khoản đầu tư nhưng sẽ tiết chế để phù hợp với thực tế suy thoái thị trường hiện nay.