Trong bối cảnh thế giới đang tranh giành nhân tài nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm người trong các lĩnh vực như công nghệ hay chăm sóc sức khỏe, Singapore nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với những cải tiến về visa công việc cho người lao động trình độ cao.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng những người tìm việc trong nước sẽ càng khó có việc làm với xu hướng nền kinh tế hiện nay, SCMP đưa tin.
Nhiều người Singapore cáo buộc doanh nghiệp địa phương ép họ vào những hoạt động tuyển dụng thiếu công bằng, đồng thời có xu hướng ưu tiên người nước ngoài dù có trình độ thấp hơn cho một số vị trí.
Thiên vị người ngoại quốc
David, một người Singapore thuộc cấp quản lý tại ngân hàng, cùng với nhiều người khác có chung thắc mắc rằng vì sao các công ty lại tìm cách tuyển dụng nhân tài nước ngoài thay vì đào tạo người dân địa phương.
“Tôi không nghĩ rằng người Singapore khó học được kỹ năng mềm hay kỹ thuật. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là người địa phương có cơ hội nào được đào tạo nhằm phục vụ lực lượng lao động, thay vì để các doanh nghiệp tìm kiếm ở nước ngoài hay không?”, David chia sẻ.
Người này cho biết anh cũng nhận thấy các “nhóm thiểu số”, gồm những người nước ngoài cùng quốc tịch, đang hình thành ở một số phòng ban trong công ty.
Tuy nhiên, chính phủ Singapore nói rằng những lời chỉ trích trên là sai, bởi việc thu hút nhân tài nước ngoài có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến việc tạo việc làm cho người dân địa phương. Chính phủ cũng nỗ lực đảm bảo với người dân rằng họ sẽ không bị bỏ lại phía sau.
Visa lao động mới của Singapore là Overseas Networks and Expertise Pass (One Pass), dành cho các chuyên gia nước ngoài lành nghề kiếm được mức lương hàng tháng tối thiểu 30.000 SGD (21.300 USD).
Chương trình cấp cho họ thời gian lưu trú 5 năm, đồng thời cho phép vợ/chồng của người này làm việc ở Singapore. Visa thông thường chỉ có hiệu lực 2 năm đối với những người lao động lần đầu đến đây và 3 năm đối với gia hạn.
Người xin visa phải chứng minh rằng họ đã làm việc ít nhất một năm cho công ty được thành lập với giá trị vốn hóa thị trường là 500 triệu USD, hoặc đạt doanh thu hàng năm tối thiểu 200 triệu USD.
Cần biện pháp bảo vệ
Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự minh bạch hơn trong truyền thông chính sách, các biện pháp bảo vệ chống lại sự thiên vị trong tuyển dụng và đầu tư nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động địa phương.
Tuy cho ra mắt chương trình thị thực One Pass mới, các vấn đề cũ xung quanh việc thuê người lao động nước ngoài chưa được giải quyết, theo chính trị gia Jamus Lim.
Một số người như David tin rằng việc thu hút nhiều người nước ngoài vào vị trí cấp cao sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với người dân địa phương.
Tafep, cơ quan chính phủ giám sát sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, cho biết họ nhận được trung bình 379 đơn khiếu nại mỗi năm trong giai đoạn 2014-2021. Định kiến dựa trên quốc tịch chiếm nhiều nhất trong số các khiếu nại, trung bình là 233 trường hợp/năm.
Ví dụ, những lãnh đạo người nước ngoài ở công ty của David có xu hướng thuê bạn bè ngoại quốc của họ - những người không muốn chia sẻ kỹ năng với người địa phương, từ đó tạo ra môi trường làm việc thù địch cho nhân viên Singapore.
Carmen Wee, người sáng lập và CEO của một công ty dịch vụ tư vấn nhân sự chiến lược, cho biết sẽ “những vấn đề như vậy luôn có cơ sở”.
Theo bà, người sử dụng lao động có thể “tuyển dụng không chỉ dựa trên kỹ năng, mà còn quan tâm đến ‘sự thoải mái’ như cảm giác dễ mến, các đặc điểm văn hóa tương đồng hoặc sở thích”.
“Nếu không có đủ biện pháp bảo vệ ở cấp công ty nhằm thúc đẩy tuyển dụng toàn diện và phát triển nhân tài, các chuyên gia địa phương có thể không được thăng tiến, ngay cả khi có đủ kỹ năng và đóng góp cần thiết”, Wee nói.
Bên cạnh đó, Terence Ho, Phó giáo sư Thực hành tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết dù nhiều người công nhận nhu cầu người lao động nước ngoài là cần thiết nhằm “nhằm gia tăng lực lượng lao động địa phương và phát triển miếng bánh kinh tế tập thể”, chính phủ phải truyền đạt các chính sách đó một cách rõ ràng.
Các nhà chức trách cũng nên đảm bảo tuyển dụng công bằng và đầu tư vào nâng cao tay nghề người bản địa để “đảm bảo rằng họ sẽ có cơ hội công bằng tại nơi làm việc”.
Phó giáo sư cũng đề nghị chính phủ theo dõi tỷ lệ người Singapore đảm nhận các vai trò lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp ở từng lĩnh vực, nhằm giúp giảm bớt nỗi lo của người dân địa phương và tăng cường an sinh xã hội ở một thành phố nổi tiếng có chi phí sinh hoạt cao.
“Cuối cùng, nếu Singapore muốn tránh chủ nghĩa bài ngoại bén rễ trong xã hội, các công dân phải cảm thấy họ được hưởng lợi ích từ việc quốc gia cởi mở và cạnh tranh với nhân tài ngoại quốc”, ông nói.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.