Trưa chủ nhật (12/2), P.A. (sống tại chung cư Masteri An Phú, TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng shipper, báo có 2 đơn hàng mới được giao tới, để nhờ ở sảnh và yêu cầu chuyển khoản.
“Người này đọc đúng cả họ tên, mã căn hộ nên tôi không nghi ngờ. Trùng hợp, đợt này tôi có việc cần nên đặt một lúc cả chục đơn hàng online. Tôi đã chuyển cho kẻ lừa đảo 415.000 đồng”, P.A. kể với Zing.
Khoảng một tiếng sau, bật ứng dụng mua sắm lên để kiểm tra nhưng không thấy có đơn hàng nào đánh dấu “đã giao”, cô mới vội đi xuống để kiểm tra.
Chiêu trò lừa đảo
Cô nhờ cả bảo vệ tìm giúp nhưng không thấy hai gói hàng. Khi gọi điện cho shipper thường giao hàng cho mình, cô được thông báo có thể đã bị lừa.
“Anh ấy nói với tôi hồi nãy cũng có một số người gọi điện để tìm hàng nhưng không thấy. Tôi gọi lại cho số yêu cầu chuyển khoản thì không được nữa. Lúc này, tôi mới nhận ra đã bị lừa”.
Chia sẻ câu chuyện của mình lên nhóm cư dân của tòa nhà, P.A. bất ngờ khi hôm đó cũng có nhiều người khác bị lừa giống cô, với chiêu thức tương tự và cùng số điện thoại.
Cùng tòa nhà với P.A., chị Vân cũng dính bẫy lừa đảo giao hàng. Người này cũng đọc đúng thông tin, số nhà của chị.
“Khi tôi hỏi thêm shipper xem đơn đó của Shopee hay Lazada để check lại, anh ta nói chuyển phát cho một shop ở ngoài, chỉ được báo giao theo tên, địa chỉ và số điện thoại khách. Hàng cũng niêm phong nên anh ta không biết bên trong là gì”, chị Vân kể.
Cảm thấy nghi ngờ, chị hỏi tiếp tên shop, nam shipper nói bên ngoài chỉ ghi thông tin người nhận. Biết mình gặp lừa đảo, chị Vân nói không nhận hàng. Phía bên kia nói nếu chị không nhận sẽ báo hủy đơn, rồi anh ta cúp máy.
Sau khi trao đổi trên nhóm cư dân, chị Vân mới biết mình bị cùng một số điện thoại gọi lừa. Chị thấy may mắn vì đã cảnh giác, không dính bẫy.
Dưới bài đăng của P.A., một nữ cư dân khác kể cũng nhận cuộc gọi đã giao hàng ở dưới tòa nhà và được yêu cầu chuyển khoản 320.000 đồng.
Người này thấy nghi ngờ vì mới đặt đơn tối thứ 7, sáng hôm sau đã giao tới. Lên kiểm tra đơn hàng trên cả hai ứng dụng mua sắm, cô không thấy có đơn “đang giao” nên hỏi lại.
Kẻ lừa đảo lúng túng nói “để kiểm tra lại” rồi cúp máy và không liên lạc nữa.
Cảnh giác
Hiện tại, cả P.A., chị Vân và nhiều cư dân đều bày tỏ hoang mang vì không biết bằng cách nào thông tin cá nhân của mình bị lộ ra, rơi vào tay bọn lừa đảo.
“Tôi cho rằng bọn lừa đảo sẽ áp dụng chiêu này ở nhiều khu chung cư, tòa nhà trên địa bàn thành phố. Tôi mong vụ việc được chia sẻ rộng để mọi người nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa”, P.A bày tỏ.
Tuy nhiên, vì chưa mất tiền và việc giao nhận đơn hàng do cư dân tự thực hiện nên chị Vân không báo cáo lên ban quản lý tòa nhà.
“Tôi biết nhiều người như mình cũng có thói quen nhờ gửi hàng ở khu vực bảo vệ công ty, sảnh tòa nhà rồi chuyển khoản cho shipper. Cách này khá tiện nhưng dễ mất cảnh giác”, chị Vân nói.
Khi phóng viên Zing đã liên hệ, nhân viên thuộc phía quản lý của Masteri An Phú cho biết chưa nhận được báo cáo về vụ việc. Người này nói thêm rằng việc giao nhận đơn hàng không do ban quản trị điều phối hay xử lý.
"Phía chung cư chỉ hỗ trợ cư dân bằng cách lắp đặt các kệ đồ bên dưới tòa nhà. Hàng hóa gửi tới có thể xếp ở đó, cư dân tự tới lấy. Chúng tôi cũng chỉ giữ giúp trong vòng 1-2 ngày. Khi vụ việc xảy ra, mọi người đăng bài trong nhóm chung của cư dân để cảnh báo lẫn nhau", nhân viên này cho hay.
Đây không phải trường hợp đầu tiên dân chung cư ở TP.HCM phải lên tiếng cảnh báo về nạn lừa đảo giao hàng, giả mạo bán hàng trong nội khu.
Tháng 11/2021, cư dân ở Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, đã bị kẻ xấu mạo danh là người sống cùng chung cư để lừa bán hàng thanh lý. Nạn nhân là chị L.T.T.N. đã chuyển trước 50% làm cọc rồi hẹn lấy đồ khi đi làm về.
Chị N. nhận thấy dấu hiệu lừa đảo khi xin số điện thoại nhưng người bên kia từ chối, khoảng 2 giờ sau thì bài đăng bán đồ kèm mọi thông tin bị xóa mất.
Một cư dân khác của chung cư Vinhomes Central Park từng nhận được thư điện tử tự xưng là “bộ phận hỗ trợ Vinhomes” rao bán dịch vụ. Song người này nghi ngờ và thận trọng kiểm tra thì thấy địa chỉ email không đáng tin nên không bị mắc bẫy.
Trước đó, chị P.Q. ở chung cư Luxcity (quận 7) tìm mua cũi em bé và được một người đề nghị bán lại. Người bán yêu cầu chị Q. đặt cọc 500.000 đồng trước khi sang lấy, chị đã chuyển khoản số tiền này. Đến ngày hẹn, chị Q. thấy tài khoản mời bán đã khóa, số điện thoại bị chặn.
Theo nghiên cứu từ Visa, 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến. Cứ 10 đơn hàng thì gần 6 đơn được giao đến nhà
Năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo về những hình thức lừa đảo trên các kênh mua sắm trực tuyến. Theo đơn vị này, thủ đoạn đầu tiên là lừa đảo qua dịch vụ "ship COD" (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng) để thu khoản chênh lệch giá.
Hình thức tiếp theo là lừa đảo qua lệnh chuyển khoản giả. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công. Người bán sẽ mất hàng khi không biết đó chỉ là chuyển khoản giả mạo.