Lợi thế của Việt Nam và tiềm năng của Ấn Độ
Bất chấp sự quan tâm mới ở Ấn Độ, Việt Nam vẫn là quốc gia phổ biến nhất bên ngoài Trung Quốc để xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng điện tử và cho đến nay đã thu hút phần lớn đầu tư sản xuất ngoài Trung Quốc của Apple.
Theo Nikkei, 25 nhà cung cấp của Apple đã thiết lập các cơ sở sản xuất để xử lý vật liệu, linh kiện, mô-đun và lắp ráp tại Việt Nam, tăng từ con số 14 nhà cung cấp trong năm 2017.
Trong khi đó, số lượng nhà cung cấp của Apple ở Ấn Độ đã tăng từ 4 năm 2017 lên 14 năm 2022 nhưng họ được đánh giá là hoạt động với trình độ công nghệ, sản xuất và lắp ráp thấp hơn.
Một chuyên gia nhận định Ấn Độ sẽ mất nhiều thời gian hơn một số quốc gia Đông Nam Á để xây dựng chuỗi cung ứng điện tử.
“Các nhà cung cấp công nghệ đã mất từ 20 đến 25 năm để xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ thông tin hoàn chỉnh ở Trung Quốc. Họ cũng đã đến Việt Nam vào giữa những năm 2000 sau khi nước này gia nhập WTO, tức là hơn 15 năm trước.
Ấn Độ trước đây không phải là một phần của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu và chỉ mới tham gia trong những năm gần đây. Cơ sở hạ tầng của họ cầm thêm chút thời gian để xây dựng”, người này nói thêm.
Một chuyên gia khác cho rằng Việt Nam và Thái Lan đang đi trước Ấn Độ trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại nhưng Ấn Độ vẫn có tiềm năng tốt để phát triển trong những năm tới.
Ấn Độ, với dân số khổng lồ, lương trung bình tương đối thấp, diện tích đất đai rộng lớn và nhân sự biết tiếng Anh, được đánh giá là lựa chọn phù hợp của Apple.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến thị trường khổng lồ của Ấn Độ. Công ty tư vấn tài chính Deloitte dự đoán Ấn Độ sẽ có 1 tỷ người dùng smartphone vào năm 2026, trở thành thị trường lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ cũng triển khai nhiều biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Giấc mơ Ấn Độ của Apple
Theo Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple ở Ấn Độ đang được yêu cầu sản xuất hơn 15 triệu chiếc iPhone ở Ấn Độ trong năm nay - nhiều hơn gấp đôi so với mục tiêu một năm trước. Tất cả đều là một phần của sự thay đổi trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple.
Trước đây, thời gian sản xuất iPhone mới ở Ấn Độ lâu hơn một năm so với ở Trung Quốc nhưng khoảng cách đã giảm xuống còn khoảng một tháng vào năm 2022. Mục tiêu trong năm nay là thu hẹp thời gian đó xuống dưới 10 ngày.
Mở rộng sản xuất ở Ấn Độ là cam kết chiến lược lớn của Apple, chưa kể đến hàng trăm công ty sản xuất các bộ phận cho iPhone của gã khổng lồ này. Nhiều người, trong đó có ông chủ của Kevin, được cho là sẽ chuyển chỗ ở theo ý muốn bất chợt của Apple.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đóng vai trò là nền tảng ổn định cho hoạt động sản xuất của Apple. Theo Nikkei, hơn 80% trong số 188 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có ít nhất một cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc chiếm hơn 95% sản lượng iPhone toàn cầu kể từ khi sản phẩm này được ra mắt vào năm 2007.
CEO Apple Tim Cook cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3: “Apple và Trung Quốc cùng nhau phát triển. Đây là mối quan hệ cộng sinh”. Tuy nhiên, kỷ nguyên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc của Apple đang kết thúc, cả vì lý do chính trị và thương mại.
Đầu năm nay, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị sản xuất ít nhất 20% tổng sản lượng iPhone hàng năm tại Ấn Độ trong những năm tới. Apple muốn mở rộng và tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và thay vì lắp ráp các bộ phận đã hoàn thiện ở Ấn Độ, Apple có kế hoạch sản xuất nhiều bộ phận trung gian hơn như vỏ kim loại tại quốc gia này.
Quan trọng hơn, Apple muốn mang các nguồn lực phát triển sản phẩm iPhone mới từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Việc đó liên quan đến hàng ngàn kỹ sư và việc thành lập nhiều phòng thí nghiệm mới.
Hình thức sản xuất “thiết kế tại California, lắp ráp tại Trung Quốc" của Apple đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do khủng hoảng kép của đại dịch và căng thẳng Mỹ - Trung.
Nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã được thực thi kể từ năm 2018. Kết quả là Apple phải đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình sang các quốc gia khác.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Nhưng quyết định chuyển đến Ấn Độ không chỉ thuộc về Apple. Có tới hàng trăm nhà cung cấp tạo ra khoảng 1.500 thành phần của iPhone và quyết định của họ rất quan trọng đối với sự thành công của động thái chuyển hướng sản xuất sang Ấn Độ.
Cuộc đàm phán giữa Apple và các nhà cung cấp đã kéo dài và không phải lúc nào cũng dễ chịu. Trong đó, một số thách thức lớn bao gồm thiết lập nhà máy tại môi trường mới, khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, cấp visa cho người lao động. Một số nhà cung cấp đã chùn bước trước những thách thức này.
Trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng địa phương - mục tiêu được chính phủ Ấn Độ khuyến khích - Apple bắt đầu phân bổ một số đơn đặt hàng khung vỏ kim loại iPhone cho tập đoàn Tata. Thông thường, những đơn hàng như vậy sẽ chỉ được giao cho những nhà cung cấp uy tín với nhiều năm kinh nghiệm.
Tata thậm chí không nằm trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple nhưng lại là một trong những công ty lớn nhất và có nhiều quan hệ chính trị nhất của Ấn Độ.
Tháng 4, Tim Cook đã tới Ấn Độ để mở 2 cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple tại Mumbai và Delhi trong cùng một tuần. Sự có mặt của Cook cho thấy bên cạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Apple còn muốn tiếp cận tốt hơn thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Chuyển sản xuất sang Ấn Độ cũng là chiến lược được Xiaomi, Oppo và Vivo của Trung Quốc áp dụng trong nỗ lực giảm chi phí. Apple cho rằng bằng cách theo đuổi chiến lược tương tự, họ sẽ tiếp cận tốt hơn với thị trường Ấn Độ đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.