Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý từ lâu đã cảnh báo về những tác động khó lường của việc tăng lãi suất điều hành. Nó có thể châm ngòi khủng hoảng trong các góc khuất của ngành tài chính toàn cầu.
Silicon Valley Bank (SVB) - xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm của Mỹ - vừa sụp đổ. Đây là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giới đầu tư lo ngại rằng vết thương kinh tế có thể lan rộng hơn nữa.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về những tác động dây chuyền.
"Thảm họa SVB"
SVB là ngân hàng niêm yết duy nhất tập trung vào Thung lũng Silicon và các dự án công nghệ mới. Nhà băng này đóng vai trò quan trọng trong giới startup Mỹ.
Theo trang web chính thức, SVB làm ăn với gần một nửa startup tại Mỹ được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn, phần lớn là công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe. Shopify, Andreessen Horowitz và công ty an ninh mạng CrowdStrike Holdings cũng nằm trong danh sách khách hàng của nhà băng này.
Vào ngày 8/3, SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo bán 21 tỷ USD chứng khoán từ danh mục đầu tư và gánh lỗ 1,8 tỷ USD. Ngân hàng này cũng bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để huy động thêm tiền.
Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.
Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch.
SVB bị giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Cơ quan này sau đó sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB.
Với tổng tài sản 209 tỷ USD, SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Đáng nói, thay vì đợi thị trường chứng khoán đóng cửa như thường lệ, FDIC hành động ngay trong phiên giao dịch hôm 10/3.
Khách gửi tiền sẽ ra sao?
FDIC cho biết đã thành lập một ngân hàng mới để thu giữ tài sản của SVB, Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara. Đối với những khoản tiền gửi được bảo hiểm - từ 250.000 USD trở xuống, khách hàng có thể lấy lại vào ngày 13/3.
Thông thường, các khoản tiền gửi sẽ được chuyển giao cho một ngân hàng lành mạnh khác, hoặc FDIC trả cho khách gửi đến giới hạn bảo hiểm.
Cơ quan này cũng bán tài sản của nhà băng bị phá sản cho các tổ chức tài chính khác, và dùng số tiền thu được để trả cho khách gửi những khoản không được bảo hiểm.
Cơ quan quản lý cho biết đối với những khoản tiền gửi không được bảo hiểm, khách hàng sẽ nhận được chứng chỉ nhận tiền cho phần chưa hoàn trả. Nhưng hiện họ vẫn chưa biết con số này là bao nhiêu.
Ai sẽ mua lại SVB?
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ một bên có thể đứng ra mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của SVB. Trên thực tế, cách đây 15 năm, các nhà quản lý Mỹ đã dàn xếp thương vụ bán Bear Stearns và Merrill Lynch lần lượt cho JPMorgan Chase & Co. và Bank of America.
Tuy nhiên, các ngân hàng kể trên vẫn quan trọng với hệ thống ngân hàng vì những khoản vay với các nhà băng khác. Không rõ vụ việc của SVB có được xử lý tương tự hay không.
Vì sao SVB rất dễ tổn thương?
Nhiều yếu tố cùng lúc dẫn tới sự sụp đổ của SVB, bao gồm cả các vấn đề của riêng nhà băng này và những rủi ro chung của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Một trong số những nguyên nhân chính là các đợt tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kìm hãm lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Các đợt tăng lãi suất dẫn tới sự suy yếu nghiêm trọng của lĩnh vực công nghệ, vốn đang phát triển nhanh và thúc đẩy đà tăng trưởng của SVB. Thay vì mở rộng tệp khách hàng sang những ngành nghề khác, ngân hàng này dồn lực vào các startup công nghệ.
Khi vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.
Thảm họa đến từ làn sóng rút tiền
Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị. Vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng này dùng tiền gửi ngắn hạn để mua trái phiếu dài hạn. Nếu tiếp tục giữ trái phiếu tới ngày đáo hạn, SVB sẽ không phải gánh lỗ 1,8 tỷ USD.
Trên thực tế, mọi nhà băng ở Mỹ đều gửi một phần tiền vào trái phiếu kho bạc của Mỹ và các trái phiếu khác. Mối quan hệ nghịch chiều khiến giá trái phiếu giảm đi khi lãi suất tăng cao.
Nhưng SVB đã tự dồn mình vào thế rất dễ tổn thương. Bởi danh mục đầu tư của ngân hàng này tăng lên hơn một nửa tổng tài sản, vượt xa mức bình thường.
Rủi ro lây lan?
Ngay từ trước bê bối của SVB, cổ phiếu của ngành ngân hàng Mỹ đã bị bán tháo sau cảnh báo của KeyCorp. Theo đó, các nhà băng Mỹ đang đứng trước áp lực trả lãi cho người gửi tiết kiệm.
Khi lãi suất tăng cao, người gửi tiền có thể chuyển sang những ngân hàng trả lãi cao. Các nhà băng do đó sẽ phải đẩy lãi suất lên cao, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm giữ chân khách hàng, tránh biến động vốn tiền gửi.
Ngoài ra, lãi suất gia tăng giúp doanh thu của các ngân hàng đi lên, nhưng giá trị tài sản mà họ nắm giữ lại giảm đi.
Theo hồ sơ gửi FDIC, tính đến cuối năm ngoái, các ngân hàng Mỹ ghi nhận khoản lỗ trái phiếu chưa thực hiện tổng cộng 620 tỷ USD. Cơ quan này lưu ý rằng những khoản lỗ trên giấy tờ này "đã làm giảm đáng kể vốn chủ sở hữu của ngành".