Hơn 15,41 tỷ USD được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Mặc dù con số này chỉ bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là do so sánh với mức nền cao của năm ngoái.
“Hơn nữa, dòng vốn đầu tư chưa phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn gián đoạn vì Covid-19 và thế giới có nhiều biến động khó lường”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nhà đầu tư ngoại đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng rõ nét là vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng năm 2022 vẫn tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 (11,57 tỷ USD).
Triển vọng tăng trưởng tích cực
Nhận định về triển vọng tăng trưởng tích cực được các định chế tài chính quốc tế đưa ra gần đây tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay ở mức 6,5%, trong khi hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á xuống 4,6% (thấp hơn so với mức dự báo 5,2% đưa ra trước đó). Các yếu tố như thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công được xem là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, về những rủi ro giá cả hàng hóa leo thang, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới sẽ tạo thành áp lực lạm phát, ADB tin rằng với nguồn cung lương thực dồi dào cùng chính sách điều hành thận trọng và linh hoạt, lạm phát của Việt Nam sẽ vẫn giữ mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.
Mới đây, trong một bài viết về kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cũng nhận định tăng trưởng GDP trong quý 3/2022 có khả năng tăng mức 2 con số, dự kiến vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.
“GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong quý 2/2022 và chúng tôi kỳ vọng sẽ còn tăng vọt trong quý 3/2022 nhờ vào sự tiếp tục gia tăng của tiêu dùng trong nước. Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nhưng dự báo tăng trưởng GDP 7,5% của chúng tôi đã giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn trong năm nay”, ông Michael Kokalari chia sẻ.
Với triển vọng tăng trưởng tích cực, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Điển hình, nhà đầu tư Jinko Solar quyết định đầu tư thêm dự án xây dựng kho tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Ninh) và dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên để phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Khoai với số vốn đầu tư đạt gần 50 triệu USD.
Hay như Onaga, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, cũng quyết định đầu tư vào Hà Nội. Dự kiến nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, tàu shinkansen, ô tô… của Onaga sẽ được đưa vào sản xuất trong năm 2023.
Thị trường tiềm năng, môi trường thân thiện
“Thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng. Hiện nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tỷ USD linh kiện các loại ô tô, xe máy, máy móc các loại”, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga chia sẻ về lý do rót vốn vào Việt Nam.
Trong khi đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Ninh mới đây, hai nhà đầu tư nước ngoài lớn của Quảng Ninh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư với tổng vốn hơn 1,7 tỷ USD.
Cụ thể, Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP); Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản) ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại lô đất CN5 của KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.
Những ưu thế về vị trí chiến lược, nguồn nhân lực cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội dần hoàn thiện được xem là những lợi thế của Việt Nam nói chung cũng như của địa phương nói riêng trong thu hút dòng vốn FDI dài hạn.
Song, để những lợi thế sớm trở thành hiện thực, các nhà đầu tư nước ngoài đều chung nhận định đó là Việt Nam có môi trường đầu tư thân thiện với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương và người lao động cần cù, chăm chỉ, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Chia sẻ mới đây với VnEconomy, ông Gianluca Fiume, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam, cho biết một trong những lý do đưa tới thành công cho Piaggio Việt Nam trong hơn 15 năm qua là đội ngũ người lao động cần cù, chịu khó và luôn đồng hành với doanh nghiệp trong mọi trường hợp. Cùng với đó là sự đồng hành của chính quyền địa phương trong nỗ lực giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư – sản xuất và kinh doanh.
“Bất chấp dịch bệnh Covid-19, với sự hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc cùng sự đồng hành của người lao động trong việc tuân thủ các quy định làm việc trong bối cảnh Covid-19, Piaggio Việt Nam đã đạt những kết quả vượt mong đợi”, ông Gianluca nói.
Đánh giá cao sự sẵn sàng của chính quyền địa phương trong việc lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, ông Onaga đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là “điểm dừng chân” trong hành trình đầu tư của mình.
Với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của khu công nghiệp đối với việc đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép dự án và thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tin rằng sẽ tạo đà thuận lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp khác của Nhật Bản tìm đến, đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội để cùng chung tay phát triển sự hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản.