Địa phương và doanh nghiệp tiên phong
Mia Group - một tập đoàn chuyên xuất khẩu trái cây cao cấp của Việt Nam và Quỹ đầu tư Thrive của Singapore vừa ký kết biên bản hợp tác đầu tư công nghệ cao cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam.
Bằng hợp tác này, Thrive cam kết sẽ đầu tư 300 triệu USD cho Mia Group để hỗ trợ doanh nghiệp này phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh tại các tỉnh Tây Bắc. Đồng thời phát triển dự án Bản đồ trái cây Việt Nam, từ đó hình thành các vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Cùng thời điểm, tại Lâm Đồng, trong một quy mô lớn hơn, chính phủ Hàn Quốc thông qua Chương trình nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam đã tài trợ 3,5 tỷ Won (tương đương hơn 2,8 triệu USD) cho dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam”. Ngay trong tháng này, dự án kể trên sẽ bắt đầu đi vào thực hiện với các hợp phần chính là: xây dựng mô hình trang trại thông minh, phát triển các phần mềm điều hành giám sát canh tác, phân tích dữ liệu và xây dựng chiến lược quốc gia về nông nghiệp thông minh.
Tại Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang tình hình cũng diễn ra tương tự. Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ cho hay, hiện địa phương này đã hoàn thiện xong Đề án xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một số doah nghiệp như CTCP Công nghệ Vconnex và các tập đoàn nông nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An hiện đã bắt tay xây dựng các kế hoạch triển khai các giải pháp số hóa như kết nối IoT, Big Data, Edge Computing, Cloud Computing… vào chuỗi sản xuất và phân phối sản phẩm nông sản.
Trong khi đó, ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, thông tin: Dự án Canh tác lúa thông minh do CTCP Phân bón Bình Điền triển khai tại 4 huyện trên địa bàn đã bắt đầu cho kết quả khá tích cực. Doanh nghiệp lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước tự động, lắp đặt hệ thống cảm biến báo mực nước và độ mặn cũng như hỗ trợ thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, thiết bị phun thuốc sâu bằng máy bay không người lái đã giúp tăng hiệu quả sản xuất 15-20% và tiết giảm đáng kể lượng phân bón, chi phí lao động.
Cần đổi mới cách tiếp cận đầu tư
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, hoạt động đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các máy móc thiết bị nông nghiệp thông minh kết nối trực tuyến bắt đầu được khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung đẩy mạnh.
Ở khối ngoại, các tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore như Royal K, Charmfre, SK Group, GK-Organic, Fujitsu… trong khoảng hai năm gần đây đã hợp tác mạnh với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam để phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0. WB và các quỹ đầu tư quốc tế hiện cũng đã quan tâm nhiều hơn cho lĩnh vực này. Trong nước, theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, hiện đã có khoảng 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao quy mô vừa và lớn được thành lập với sự hậu thuẫn của các địa phương và các tập đoàn kinh tế như FPT, TH, Vinamilk, Lộc Trời, Vingroup, Hòa Phát… Cùng với đó hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đã hấp dẫn các tập đoàn công nghệ tin học và viễn thông. Chỉ tính riêng lĩnh vực Internet kết nối vạn vật (IoT) cả nước đã xuất hiện hàng chục nhà cung cấp các giải pháp IoT uy tín, như: IoT Group, FPT, DTT, Konexy, Rynan Smart Feti. Các nền tảng nông nghiệp thông minh như: Nextfarm của CTCP NextVision, MobiAgri của Mobifone, Netafim của Tập đoàn Khang Thịnh, Smart Agriculture của VNPT hiện cũng được nhiều địa phương áp dụng nhằm gia tăng năng suất và tiết giảm chi phí sản xuất phân phối nông sản.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, khoảng 5 năm tới, các xu hướng công nghệ 4.0 sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều. Trong đó, lĩnh vực IoT sẽ tham gia bằng việc hình thành các cảm biến trên thiết bị và vật liệu, giúp đơn giản, hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và điều phối tổng thể các nguồn lực nông nghiệp. Công nghệ máy bay không người lái (drone) cũng sẽ được sử dụng phổ biến để phun thuốc trừ sâu, kiểm soát môi trường, các robot làm nông nghiệp cũng sẽ được sử dụng ở các khâu đoạn sản xuất chế biến nhiều hơn.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đây là thời điểm cần thiết để Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành địa phương liên quan tính đến chiến lược chuyển đổi số gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp. Trong đó, cần chuyển dần từ quy mô trình diễn công nghệ cao sang đáp ứng đầy đủ các yếu tố: thương mại; nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ để nhân rộng và kết hợp sản xuất nông nghiệp thông minh với sinh thái môi trường và du lịch.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động nguồn lực để phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh gắn với đặc thù từng địa phương. Trong đó, lồng ghép các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn với các đề án tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp và chuyển đổi số ở địa phương để tranh thủ ngân sách, nguồn lực phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, khi vận hành các mô hình nông nghiệp thông minh thì yếu tố dữ liệu là cực kỳ quan trọng. Vì thế các địa phương và bộ ngành liên quan cần phối hợp, chia sẻ thì mới có thể xây dựng được hệ thống dữ liệu dùng chung chi tiết, chính xác và hiệu quả”, ông Tùng nhấn mạnh.