Thị trường nhiều tiềm năng
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù cả Việt Nam và Campuchia đều trải qua dịch bệnh nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia năm 2020 đạt trên 5 tỷ USD, năm 2021 đạt trên 9 tỷ USD. Riêng trong quý I/2022 đạt 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD.
Việt Nam và Campuchia là các nước láng giềng có nhiều điều kiện bổ sung cho nhau. Chính phủ hai nước đã tạo cơ chế mở cửa thông thoáng cho các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh và các quy chế thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp khó về thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa sang Campuchia
Hiện nay, Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của ASEAN và được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này tạo cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư, phát triển các chuỗi giá trị để xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Ông Phan Văn Trường, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho hay, Campuchia có nhiều mặt hàng nông sản tương đồng giống Việt Nam như cao su, sắn, hạt điều, xoài, chuối, nhãn, cam, thanh long... Trên thực tế, Campuchia chỉ chế biến được khoảng 10% số nguyên liệu này, còn hầu như để sử dụng trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô. Hiện Campuchia chỉ có một số doanh nghiệp chế biến lớn.
"Ngành công nghiệp chế biến tại Campuchia chưa phát triển một phần là do công nhân có tay nghề chưa cao. Các vùng nguyên liệu tại Campuchia hiện chưa được quy hoạch, chủ yếu là trồng rải rác, chỉ có một số mặt hàng được trồng tập trung như chuối, xoài, dứa. Ngoài ra, chi phí về logistics tại Campuchia cũng khá cao, ảnh hưởng đến đầu tư và chế biến. Chính vì thế, hiện các mặt hàng nông sản chế biến ở Campuchia hầu như được nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa", ông Trường chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Tài cũng cho biết: "Trong khuôn khổ chức năng của mình, Cục Xúc tiến thương mại đã đang và sẽ tiếp tục đa dạng các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam những phương thức hiệu quả để phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh với thị trường Campuchia".
Gặp khó về thủ tục thông quan
Về phía doanh nghiệp, bà Mai Thị Kim Anh - đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Sig.Grcace cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó về thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa sang Campuchia. Đó là sự thay đổi về phương thức tác nghiệp, các thủ tục luôn không đồng nhất giữa việc đăng ký mã hàng hóa và thời gian thông quan... Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành thủ tục thông quan cũng cần phải rút ngắn lại và nên quy định giờ làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều. Trước đây, có thời gian hải quan chỉ cho thông quan từ 13h đến 16h chiều, và như thế đang tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi làm thủ tục thông quan, thì thông tin đăng ký trên tài liệu pháp lý phải có sự đồng nhất, nhất quán. Bà Kim Anh đề nghị Tổng cục Hải quan Việt Nam hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cập nhật các thông tin đầy đủ tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu vào Campuchia, kể cả hàng quá cảnh. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng cách thay đổi phương thức làm việc, xây dựng cơ sở hạ tầng, rà soát, chấn chỉnh quy trình tác nghiệp, bà Mai Thị Kim Anh cho biết thêm.
Ông Phan Văn Trường lưu ý, chính sách xuất nhập khẩu của Campuchia chưa định hình cụ thể và có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đặc biệt đến giao thương giữa Campuchia và Việt Nam phần lớn được thực hiện qua các cửa khẩu biên giới. Việc thực hiện xuất nhập khẩu nhiều khi làm theo tập quán và việc kiểm tra của các đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm, vệ sinh thường chỉ áp dụng tại một vài cửa trung tâm. Ngoài ra, Campuchia thường thành lập các nhóm công tác kiểm tra đột xuất các cửa khẩu nhỏ lẻ và thậm chí có thể đặt các trạm soát trên đường. Vì vậy, việc kiểm tra các mặt hàng nông sản thực phẩm cũng như chế biến sản phẩm của Campuchia được thực hiện một cách chưa nhất quán và có thể là tùy vào từng cửa khẩu khác nhau.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu sang Campuchia rất cần thực hiện nghiêm túc các quy định của nước bạn. Bởi khi bị kiểm tra và giữ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới sẽ dễ gây ra ùn ứ, hư hỏng đối với hàng hóa, đặc biệt là hoa quả tươi.
Bên cạnh đó, Campuchia vừa ban hành Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn bản này khá mới, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia sẽ sớm thông báo đến các doanh nghiệp để nắm bắt, căn cứ vào đó để thực hiện.
Có thể thấy, các quy định của Campuchia về an toàn thực phẩm về cơ bản là tương đồng với tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thậm chí có thể thấp hơn một chút. Do đó, việc thực hiện là không khó khăn, và các mặt hàng nông sản, thực phẩm của chúng ta hầu hết có thể vào được Campuchia khá dễ dàng, ông Trường cho biết thêm.
Một điểm đáng chú ý khác là Campuchia thường chú trọng vào một số mặt hàng trọng điểm để kiểm tra, ví như hiện nay là mặt hàng cá tươi.