Luật Dầu khí (sửa đổi) là một trong số các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Sau nhiều lần hoàn thiện từ một dự thảo khá sơ khai ban đầu, đến nay, khi đã tiến dần về đích, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được chính những người trong cuộc đánh giá “đã tốt hơn rất nhiều”.
“Luật hiện hành không giúp cho hoạt động dầu khí có hiệu quả. Qua 3 lần sửa đổi, đến nay Luật Dầu khí đã giảm tác dụng, khiến ngành đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi chiếc áo cho ngành đã trở nên quá chật chội”, theo ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Hơn 5 năm mới có 2 dự án dầu khí
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), trong cuộc tọa đàm về Luật Dầu khí sửa đổi mới đây, cũng trải lòng “dầu khí không còn hấp dẫn như ngày xưa”, một phần vì thể chế, một phần vì tiềm năng dầu khí của đất nước chỉ còn ở mức vừa phải.
Khó khăn đầu tiên trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, theo ông Trung, là quy mô đầu tư đang giảm dần. Riêng với PVEP, 5 năm trở lại đây quy mô đầu tư chỉ còn 15% so với 5 năm trước đó. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, PVEP ký 27 dự án dầu khí nhưng 5 năm sau cộng thêm 8 tháng đầu 2022, đơn vị này mới ký được 2 dự án.
Bên cạnh ký hợp đồng mới khó, không đạt, số lượng dự án đang hoạt động cũng giảm rất nhiều, giảm nhanh bởi khi trữ lượng thăm dò không đạt kỳ vọng, người ta sẽ bỏ. “Điều đó cho thấy thu hút đầu tư mới không dễ, mà dự án cũ đang triển khai cũng khó”, ông Trung nói.
Băn khoăn việc thiếu cơ chế rủi ro, ông Trung cho rằng với một doanh nghiệp làm dự án thì “7 thành công, 3 thất bại” là bình thường. “Nhưng với cơ chế hiện nay, 7 thành công được khen còn 3 thất bại mang ra xử lý, như vậy thì ai dám làm, trong khi thực tế làm 3 dự án mà 2 cái thành công đã mang lại lợi nhuận rất lớn rồi”, ông Trung chia sẻ.
Nhắc đến nguyên lý "đầu tư phải có hiệu quả kinh tế", lãnh đạo PVEP so sánh trong khi tiềm năng dầu khí của Việt Nam không còn như trước, ưu đãi của chúng ta so với các nước trong khu vực cũng chỉ ở mức vừa phải. Nếu so với Malaysia, sản lượng khai thác của họ cao gấp Việt Nam 4-5 lần.
Bởi lẽ đó, ông cho rằng nếu không có tiềm năng thì “có khuyến khích giời” cũng không ăn thua, mà phải hài hòa giữa tiềm năng và ưu đãi về chính sách.
Nêu kỳ vọng, lãnh đạo PVEP cho rằng nếu có ưu đãi mới được quy định trong Luật Dầu khí sửa đổi, các dự án cũ sẽ sớm tiếp tục được khai thác. Tất nhiên vẫn có rủi ro, nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng, đem về doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD cho Nhà nước.
Ông cũng kỳ vọng với những dự án sắp kết thúc sẽ có cơ chế cho tận thu khai thác tài nguyên, vì nếu không có thì không khai thác được.
Từ thực tế chỉ ra, PVEP kiến nghị cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay với các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt. Cơ chế này nhằm hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu, tránh lãng phí tài nguyên đất nước.
Một kiến nghị khác là đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức truyền thống mà cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cho cả Chính phủ và nhà đầu tư.
PVEP cũng kiến nghị cần cơ chế khuyến khích nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, phản ánh có những hợp đồng dầu khí đã trình 5 năm rồi mà vẫn chưa ký được, do cách hành xử của các cơ quan có liên quan. Vì thế, khi ban hành Luật Dầu khí mới, ông Thập đề nghị cần sớm có hướng dẫn thực hiện, khắc phục được tình trạng nêu trên.
Ưu đãi khắt khe so với nhiều nước
Dự thảo luật Dầu khí sửa đổi mới nhất được đánh giá đã có nhiều cải cách, tính toán nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là ở khâu điều tra, thăm dò.
Theo Phó tổng giám đốc PVEP, cái tốt nhất trong dự thảo sửa đổi là đã rõ hơn về thủ tục hành chính - điều đang khiến rất nhiều dự án không thể triển khai. Ông nêu thực tế khi triển khai khoan một giếng có hiệu quả rất tốt rồi, nhưng để hoàn thiện bộ hồ sơ thủ tục đầu tư thì phức tạp.
Về chính sách khuyến khích đầu tư, ông Trung cho rằng đầu tư dầu khí là đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro, các đơn vị sẵn sàng đầu tư một khoản với hy vọng “tìm được một cái rất lớn”, nhưng việc đó giờ thực sự khó hơn nhiều so với 10-20 năm trước.
“Bây giờ nếu hy vọng phát hiện có tính chất lớn hơn chỉ có ở những vùng nước sâu, vùng xa - nơi công tác tìm kiếm thăm dò chưa được triển khai nhiều. Nhưng ở đó lại kèm theo rất nhiều thứ, như chi phí đầu tư rất đắt”, ông Trung dẫn chứng cách đây vài năm, một đơn vị đã phải chi cả trăm triệu USD cho việc khoan thăm dò một giếng dầu.
“Điều đó cho thấy chi phí rất lớn, việc chi cả trăm triệu USD cho một giếng khoan là có”, theo ông Trung.
Với các điều khoản liên quan đến thuế, thu hồi chi phí được đề cập trong dự thảo sửa đổi Luật Dầu khí mới, ông Trung đánh giá “đã cao hơn trước” nên những người trong cuộc hy vọng vào một làn sóng đầu tư mới thu hút được các dự án mới.
Trong khi đó, ông Trần Hồ Bắc (Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC) với quan điểm cá nhân, cho rằng dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đề cập đến các “ưu đãi đầu tư”, song thực tế, những quy định đó chưa đến mức được gọi là ưu đãi, chỉ nên gọi là chính sách khuyến khích đầu tư.
Ưu đãi về thuế và chính sách khác, theo ông Bắc, nếu so với các nước còn khắt khe hơn nhiều, trong khi hiệu quả đầu tư của chúng ta chưa bằng quốc tế. “Hơn nữa, các nước có hợp đồng chia sẻ rủi ro, Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro, nhưng ở ta, nhà thầu chịu 100% rủi ro”, ông Bắc nhấn mạnh.
Kiến nghị cần quy định tỷ trọng nội địa hóa trong hợp đồng dầu khí, ông Bắc băn khoăn khi dự thảo sửa đổi chỉ nêu chung chung là “ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước”, vì nếu quy định không có định lượng cụ thể sẽ rất khó thực hiện.
Hàng chục nhân tài dầu khí “dứt áo ra đi”
Trải lòng về vấn đề nhân sự, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Hoàng Ngọc Trung nêu thực tế từ đầu năm đến nay, đơn vị đã mất mấy chục người có chuyên môn cao sang đơn vị tư nhân, bởi họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn, trong khi một doanh nghiệp Nhà nước như PVEP phải tuân thủ về chế độ ưu đãi, đãi ngộ theo Nhà nước, có những thứ không thể vượt qua được.
“Chúng tôi còn cái khó là người thực sự muốn giữ thì họ ra đi và không giữ được, còn người chúng tôi không muốn giữ thì họ không đi, chúng tôi cũng không có cách nào cho người ta đi”, ông Trung nói.
Vì vậy, vị lãnh đạo PVEP cho rằng cần hài hòa giữa đào tạo và giữ chân nhân tài để phục vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước.