Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra cho thấy, trong tổng số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thì có tới 266 doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, chiếm 53,2%. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng –Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia.
Báo cáo VPE500 cho thấy, trong tổng số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thuộc 18 ngành, lĩnh vực thì có tới 266 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ông bình luận như thế nào về con số này?
Hiện nay có khoảng trên 122 ngàn doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo , chiếm khoảng 15,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ trên chiếm 53% trong nhóm VPE500, cho thấy mức độ tập trung của nhóm ngành này là khá cao và chúng tôi cũng khá bất ngờ về tỷ lệ này.
Bởi trước đây chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam sẽ chủ yếu là trong các nhóm ngành như bất động sản, tài chính, hoặc một số ngành dịch vụ khác.
Việc có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong nhóm VPE500 là tín hiệu khá tích cực, không chỉ đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, mà với cả nền kinh tế Việt Nam. Bởi khu vực chế biến chế tạo là nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, giúp cho tăng trưởng kinh tế mang tính bền vững hơn.
Vậy theo quan sát của ông, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo đang ở đâu trong nhóm VPE 500?
Trong số 266 doanh nghiệp của ngành chế biến chế tạo , tập trung chủ yếu tại một số ngành thuộc nhóm thâm dụng vốn như vật liệu xây dựng và khoáng phi kim loại khác (28 doanh nghiệp); sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa (18 doanh nghiệp); sản xuất kim loại (30 doanh nghiệp), ngoài ra, nhóm thâm dụng lao động như may mặc cũng có khoảng 23 doanh nghiệp. Nổi trội nhất là nhóm ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, có tới 90 doanh nghiệp trong đó chủ yếu là chế biến thủy sản cho xuất khẩu. Như vậy có thể thấy các VPE 500 chủ yếu tập trung vào khai thác những nhóm ngành có lợi thế về nguyên liệu, hoặc thị trường.
Điều đáng chú ý là, thứ hạng của các doanh nghiệp chế biến chế tao trong danh mục không cao so với các nhóm ngành khác. Chỉ có khoảng 21 doanh nghiệp TOP50 và trong số 266 doanh nghiệp thì có khoảng 156 doanh nghiệp có thứ hạng từ 300 trở lên. Trong TOP10 chỉ có 3 doanh nghiệp trong khi ngành thương mại có tới 4 doanh nghiệp.
Xin ông cho biết những giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới?
Khu vực tư nhân trong ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ lệ thấp. Ngành này hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 63% về doanh thu thuần và 61,3% về lao động. Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2,2%. Trong một số ngành, hầu hết là do khu vực FDI thống trị, ví dụ như điện tử (96.5%), da và các sản phẩm da (83%). Trong một số ngành mà doanh nghiệp tư nhân có lợi thế như may mặc, thì FDI cũng chiếm tới 56%. Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân trong chế biến chế tạo hầu như bị lấn át bởi khu FDI.
Mục tiêu để xây dựng và phát triển lực lương doanh nghiệp Việt Nam trong chế biến chế tạo là rất thách thức trong thời gian tới. Trong ngắn hạn và trung hạn có thể có một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, xác định ngành có thế mạnh của doanh nghiệp Việt, ví dụ như trong danh mục VPE500 hiện nay có thể là nhóm chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ… Trên cơ sở đó cần có chiến lược hỗ trợ đủ mạnh và thực chất để các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Điều này cũng có nghĩa là, không nên xác định hỗ trợ theo kiểu dàn hàng ngang như hiện nay trong bối cảnh nguồn lực nhà nước là có hạn.
Thứ hai, xác định các thế mạnh và nhu cầu về liên kết giữa FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp lớn để tạo ra khả năng liên kết cao hơn giữa doanh nghiệp tư nhân và FDI.
Theo như ông nói, có nghĩa là chúng ta đang có quá nhiều các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ mà “quên” mất các doanh nghiệp lớn cũng cần được hỗ trợ?
Đúng như vậy, lâu nay chúng ta vẫn đưa ra quan điểm rằng doanh nghiệp nhỏ mới cần hỗ trợ, nhưng đó chỉ là một cách tiếp cận trong phát triển thôi, còn nếu chúng ta muốn tạo ra được tiềm năng để đi sâu vào thị trường quốc tế thì vẫn là phải những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn mới làm được điều đó.
Nên sắp tới, tôi nghĩ chúng ta nên cân bằng những chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn nếu muốn có những tập đoàn tư nhân lớn trong nước lớn vươn tầm thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!