Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), doanh số ôtô mới tại Liên minh châu Âu cùng nhóm các nước EFTA và Anh đã giảm 17% về mức 1,07 triệu xe trong tháng 6.
Đây là doanh số ôtô trong tháng 6 thấp nhất tại châu Âu kể từ năm 1996.
Trong đó, Volkswagen là nhà sản xuất ôtô bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số xe xuất xưởng giảm đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng trước, các nhà sản xuất như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz cho biết tình trạng khủng hoảng chip bán dẫn đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, họ cho rằng vẫn cần thêm thời gian để dây chuyền sản xuất có thể đưa hàng ra showroom, tạo điều kiện cho các đại lý giao xe đến tay khách.
Chi phí cho năng lượng và các nguyên liệu khác đẩy giá xe tăng cao cũng là nguyên nhân làm đau đầu những nhà sản xuất ôtô tại lục địa già.
“Ngành công nghiệp ôtô sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng nguồn cung trong một sớm một chiều”, LMC Automotive nhận định trong một bản thông báo đưa ra trong tháng.
Đơn vị này cũng nhận định nhu cầu cơ bản về ôtô đã có dấu hiệu suy yếu trong vài tháng gần đây, khi tình hình kinh tế ngày một chuyển biến xấu.
Doanh số bán hàng tại các thị trường lớn như Đức và Anh có thể tăng trưởng trở lại trong tháng 7, theo Bloomberg Intelligence.
Tuy vậy, bất chấp các dấu hiệu cho thấy chuỗi sụt giảm so với cùng kỳ trong 12 tháng liên tiếp sẽ được chặn đứng, thật khó để các doanh nghiệp ôtô tại châu Âu có thể bù đắp nổi khoản lỗ lũy kế sau nửa đầu năm 2022.
Vào tháng 1, các nhà nghiên cứu thị trường từng dự đoán doanh số 2022 sẽ tăng trưởng xấp xỉ 9%.
Tuy nhiên, LMC Automotive lại ước tính lượng ôtô du lịch giao đến tay khách hàng ở khu vực Tây Âu sẽ giảm 6,3% về mức 9,92 triệu chiếc tại thời điểm chốt sổ cuối năm.
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra tại châu Âu được cho là sẽ tiếp tục nối dài đà suy giảm nhu cầu mua sắm ôtô của người dân.
Trong một báo cáo viết ngày 5/7, Tom Narayan – nhà phân tích ôtô của RBC Capital Markets – nhận định khả năng đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Đức do khủng hoảng năng lượng sẽ gia tăng mức độ lo sợ của người tiêu dùng.
Thực tế, mối lo ngại này xuất phát chủ yếu từ chuỗi cung ứng, bởi các nhà máy hóa chất tại Đức ngưng hoạt động sẽ gây đứt gãy nguồn cung nhựa vốn được dùng cho các bộ phận trên ôtô.
Để bù đắp lượng xe sụt giảm, các hãng ôtô chọn giải pháp tăng giá bán nhóm xe phổ thông, đồng thời tập trung nhiều hơn vào các mẫu xe đắt tiền và sinh lời nhất của mình.
Tuy vậy, khi lạm phát ngày một tăng cao tại châu Âu, người tiêu dùng lại chọn cách cắt giảm tối đa chi phí. Điều này khiến cho chiến lược của các nhà sản xuất ôtô rơi vào bế tắc.
“Thế giới vẫn sẽ bất ổn. Đó là giả định của Volkswagen, và vì vậy chúng tôi cần phải có chút thận trọng về tình hình kinh doanh trong năm tới”, Herbert Diess, CEO của Volkswagen, chia sẻ trên Bloomberg Television.