Theo một tài liệu nội bộ mà hãng tin CNBC có được, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (Inflation Reduction Act), cho rằng luật này vi phạm các quy định về thương mại quốc tế.
Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) do Tổng thống Joe Biden khởi xướng và đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8. Đạo luật trị giá 430 tỷ USD này bao gồm 369 tỷ USD đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng - con số kỷ lục cho một gói khí hậu trong lịch sử Mỹ; khoảng 64 tỷ USD để mở rộng một chính sách theo Luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act) nhằm giảm chi phí bảo hiểm y tế.
Đáng chú ý, đạo luật bao gồm tín dụng thuế dành cho xe điện sản xuất tại bắc Mỹ và hỗ trợ chuỗi cung ứng pin xe điện ở Mỹ. Cũng nằm trong đạo luật này, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu sẽ là 15% đối với các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm.
Trong tài liệu của EU nói trên, dù hoan nghênh nỗ lực chống biến đổi khí hậu của đạo luật này, các quan chức châu Âu tỏ ra lo lắng về “cách thiết kế những ưu đãi tài chính dành cho doanh nghiệp xe điện”. Những quan ngại đã được phía EU gửi đến các quan chức Mỹ, trong đó bao gồm 9 điều khoản về tín dụng thuế mà EU cho rằng “có vấn đề”.
Theo CNBC, về bản chất, EU đang lo ngại về các rào cản thương mại mới có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện châu Âu. Không chỉ EU, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, cũng có mối lo tương tự.
“Chúng tôi đã thành lập nhóm đặc biệt để giải quyết những vấn đề này. Hiện chúng tôi đang tập trung vào tìm kiếm một giải pháp để thương lượng”, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Valdis Dombrovskis, mới đây trao đổi với CNBC tại Brussels. “Hy vọng phía Mỹ sẽ sẵn sàng giải quyết những quan ngại của EU”.
Nhiều bộ trưởng tài chính châu Âu cũng bày tỏ quan ngại liên quan tới đạo luật mới của Mỹ.
“Chúng tôi lo ngại về những hậu quả do Luật Giảm lạm phát của Mỹ gây ra. Chúng ta nên có cách tiếp cận chung là tiếp tục ưu tiên các đối tác thương mại”, ông Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức nói với CNBC.
Khi được hỏi rằng liệu có nên bắt đầu thực hiện một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ hay không, ông Lindner khẳng định: “Chúng ta nên cởi mở với vấn đề này, nếu cả hai bên đồng ý”
“Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi phải phân tích những hậu quả của Đạo luật Giảm lạm phát đối với các ngành công nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thông báo cho phía Mỹ những quan ngại sâu sắc của mình. Nhưng tôi không chắc họ nhận thức được những quan ngại này theo cách mà chúng tôi quan tâm”.
Đây không phải lần đầu tiên các quan chức EU bày tỏ quan ngại liên quan tới đạo luật mới của Mỹ. Vào tháng trước, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager nói rằng “về nguyên tắc, chúng ta không nên đặt ra các quy định chống lại bạn bè của mình” - theo tờ Financial Times.
Tuy nhiên, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hiện chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này. Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng bà đã biết về những quan ngại của EU nhưng loại bỏ khả năng sẽ có điều chỉnh đối với Đạo luật Giảm lạm phát đã được ban hành.