Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra cái giá để đối phó với lạm phát. Đó là một vài năm tăng trưởng chậm lại và một triệu người mất việc làm.
Theo Reuters, đó là một cái giá lớn. Đáng nói, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell mắc sai lầm, vấn đề của ông sẽ trở thành vấn đề của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Fed đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp ngày 21/9. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng phát đi tín hiệu rằng trong tương lai, lãi suất có thể tăng mạnh hơn dự đoán của giới đầu tư.
Dự báo của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - cho thấy lãi suất chuẩn có thể tăng lên mức bình quân 4,6% trong năm 2023. Theo Fed chi nhánh Atlanta, trước đó, giới đầu tư dự báo mức lãi suất cao nhất là 4,4%.
Cú tiếp đất khẩn cấp
Các quan chức Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể vọt lên 4,4%, tức 1,3 triệu người sẽ mất đi việc làm.
Tăng trưởng GDP có thể giảm xuống 0,2% vào quý III và 1,2% trong một năm tới. Tuy nhiên, FOMC tin rằng mọi thứ sẽ trở lại đúng hướng vào cuối năm 2024.
Ông Powell cho rằng lạm phát còn tồi tệ hơn suy thoái. Thất nghiệp khiến hàng triệu người Mỹ lao đao, nhưng mọi người đều sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao, dù nhiều hay ít.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, khoảng 50% doanh nghiệp nhỏ cho rằng lạm phát là thách thức lớn nhất. Một cuộc khảo sát của Pew vào tháng 5 chỉ ra lạm phát cũng là vấn đề hàng đầu của người tiêu dùng.
Thêm vào đó, một cuộc suy thoái kinh tế có thể không tạo ra ảnh hưởng lâu dài. Theo các nhà băng Mỹ, khách hàng vẫn còn nhiều tiền trong ngân hàng hơn so với trước đại dịch Covid-19. Những khoản trả chậm đang tăng lên nhưng không tăng nhanh.
Trước khi Fed nâng lãi suất, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành của JPMorgan - đã cho rằng ngành công nghiệp tài chính có thể xử lý dễ dàng "một cú tiếp đất khẩn cấp".
Hôm 21/9, ông Powell thừa nhận rằng không có cách nào để hạ nhiệt lạm phát mà không gây ra thiệt hại kinh tế. "Không ai rõ quá trình (kìm lạm phát) có dẫn tới suy thoái hay không, và cuộc suy thoái sẽ nghiêm trọng đến mức nào", ông nói thêm.
Gánh nặng với chính quyền ông Biden
Theo tuyên bố của FOMC trong cuộc họp, các chỉ số mới đây cho thấy mức tăng trưởng khiêm tốn trong chi tiêu và sản xuất. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ, trong khi lạm phát tiếp tục leo thang.
Cơ quan hoạch định chính sách của Fed cũng nhấn mạnh rằng "việc liên tục tăng lãi suất mục tiêu là thích hợp".
Tuy nhiên, nếu ảnh hưởng của việc nâng lãi suất vượt tầm kiểm soát của Fed, ông Biden và Quốc hội Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Họ có thể mất hàng năm trời để giải quyết tình trạng thất nghiệp gia tăng và những thách thức đối với nền kinh tế.
Theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 28/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.
Nếu ảnh hưởng của việc nâng lãi suất vượt tầm kiểm soát của Fed, ông Biden và Quốc hội Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả
Reuters
"Quan điểm của tôi không đổi kể từ hội nghị Jackson Hole", Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong buổi họp báo sau cuộc họp. "FOMC rất kiên quyết trong việc đưa lạm phát xuống 2%, chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm cho đến khi đạt mục tiêu", vị lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh.
Đáng nói, dot plot - biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên - cho thấy FOMC không có ý định cắt giảm lãi suất trước năm 2024. Trong những tuần qua, ông Powell và các quan chức Fed đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc hạ lãi suất khó có thể xảy ra trong năm tới.
Theo dot plot, 6 trong số 19 thành viên ủng hộ việc đưa lãi suất lên 4,75-5% vào năm tới, nhưng giá trị bình quân là 4,6%, tức lãi suất sẽ khoảng 4,5-4,75%.
Biểu đồ chỉ ra 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 và 4 đợt trong năm 2025, đưa lãi suất quỹ liên bang trung bình xuống 2,9% trong dài hạn.
"Fed sẽ không dừng lại hay thay đổi quan điểm trong tương lai gần. Họ đang dồn lực vào việc kiểm soát lạm phát. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều này có thể phá hủy những gì", ông Bill Zox - Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global - chia sẻ.