Chợ Hàng Bè ở phố cổ Hà Nội nổi tiếng với đồ ăn tươi ngon, nổi tiếng với tên gọi vui là "chợ nhà giàu". Vào dịp Tết ông Công ông Táo, gà ngậm hoa hồng giá nửa triệu là bán chạy nhất.
Bà Phạm Thị Tố, chủ quán bán chim quay, gà luộc trong chợ Hàng Bè cho biết những ngày này, nhiều người đã đến đây mua gà về lễ. Nhiều người còn đặt gà và xôi từ tháng trước vì sợ sát ngày không mua được gà. Mỗi con gà luộc ngậm hoa hồng bán với giá từ 400 -900 nghìn đồng một con, tùy trọng lượng. Nếu khách mua theo set cả gà và xôi thì giá thành sẽ nhỉnh hơn một chút nữa.
"Lượng người mua gà lễ năm nay tăng khoảng 40% so với mọi năm. Những năm trước vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người ngại tới chỗ chỗ đông người nên lượng người mua không quá đông. Nhưng năm nay, số lượng người mua trực tiếp đông hơn rất nhiều. Để phục vụ người dân quán đã huy động hơn 6 nhân công từ khâu thịt gà tới luộc, chặt, đồ, gói xôi" bà Tố chia sẻ.
Cũng theo bà Tố, nếu như ngày thường cửa hàng chị chỉ bán được khoảng 50-100 con gà thì những ngày này, số lượng bán ra phải gấp 2-3 lần.
Gà ngậm hoa hồng ngoài yêu cầu về chất lượng còn phải đảm bảo hình thức đẹp mắt. Gà được mổ, tạo hình dáng và luộc ngay tại cửa hàng. Sau khi luộc xong, gà sẽ được đặt trên một chiếc bát nhựa, bên dưới có tiết và bộ lòng. Nhân viên sẽ bày ra sạp hàng để bắt đầu khâu trang trí.
Mỗi con gà ngậm hoa hồng ở đây được tuyển chọn kỹ càng, nặng từ 2-3,5kg. Vì là gà để cúng lễ nên gà bắt buộc phải là gà trống. Gà lễ bán trong ngày này không chỉ có mào đẹp, dáng đẹp mà phải luộc hết sức khéo léo để da vàng, bóng và đạt đủ độ chín tới.
Ngoài ra, còn có các món ăn nấu sẵn, đầy đủ cho mâm cơm cúng như canh măng, rau củ luộc, canh mọc, gà hầm thuốc bắc, gà quay, chim quay, thịt lợn quay, cá kho, tôm chiên, bánh bao chiên, nem rán… được bán với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/phần.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa mua một con gà lễ chia sẻ: “Riêng việc chọn gà sao cho ngon, luộc gà sao cho đủ chín đã khiến mình mất thời gian và công sức rồi nên nhiều năm nay mình đã quyết định mua sẵn xôi và gà ở đây để về cúng lễ luôn. Không chỉ ngon lại còn tiện, rất phù hợp với kinh tế của gia đình nữa.”
Phải chờ 30 phút mới nhận được hàng, chị Hồ Xuân Mai (Đống Đa, Hà Nội) vui mừng: “Năm ngoái mua sát ngày quá nên đến chờ cả mấy tiếng cuối cùng hết hàng, năm nay rút kinh nghiệm đến sớm lại chỉ mất chút thời gian thôi nên mình khá hài lòng.”
Bên cạnh việc tới tận cửa hàng mua, nhiều người dân còn chọn cách đặt giao hàng tận nhà. Anh Tùng (nhân viên Grab) chia sẻ: “Những ngày này mình nhận được rất nhiều đơn ở cửa hàng bán xôi gà này. Mỗi ngày mình nhận khoảng hơn chục đơn, khách hàng cũng biết là quán đông nên không thúc giục khi bị giao trễ.”
Cúng ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Theo quan niệm dân gian Việt Nam, 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Công ông Táo. Cứ đến ngày này, các gia đình lại chuẩn bị mâm cúng chu đáo, dâng lên một cách thành tâm.
Lễ vật cúng ông Táo thông thường gồm: vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo, xôi, chè… hoặc làm cả mâm cơm cúng đủ món: gà luộc, canh măng, thịt đông, hành muối…
Chính bởi vậy mà những những món ăn trong mâm cơm cúng thường rất được chú trọng nên dù giá có đắt đỏ nhưng người dân vẫn cố gắng mua để mâm cơm đầy đủ với mong muốn một năm mới an khang cho gia đình.