- Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay khá ổn định và dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Thái Nguyên xuống còn 65.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giao dịch cao nhất trong khu vực hiện đang là 67.000 đồng/kg, được chứng kiến tại các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình. Thấp hơn một giá, hiện tại Hà Nội, giá heo hơi đang được thương lái thu mua ở mức 66.000 đồng/kg. Tuyên Quang hiện là địa phương có giá heo hơi thấp nhất khu vực 62.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực cùng ghi nhận mức giá 65.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thu mua heo hơi cao nhất được ghi nhận tại Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là 65.000 đồng/kg. Thấp hơn một giá, tại Khánh Hòa thương lái đang thu mua heo hơi ở mức 64.000 đồng/kg. Còn tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang đứng ở mức 63.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại vẫn giao dịch ổn định trong khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay điều chỉnh giảm cao nhất 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm lần lượt 1.000 - 2.000 đồng/kg hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước cùng đưa giao dịch xuống chung mốc 60.000 đồng/kg. Thương lái tại Tây Ninh tiếp tục thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá cao nhất được ghi nhận tại Long An là 64.000 đồng/kg.
Bảng giá heo hơi hôm nay 17/9 tại các địa phương có sự điều chỉnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5,86 triệu tấn, trị giá trên 2,09 tỷ USD, giá trung bình 356,9 USD/tấn, giảm 15,7% về lượng, nhưng tăng nhẹ 7,5% kim ngạch và tăng 27,5% về giá so với 8 tháng năm 2021.Trong đó, riêng tháng 8/2022 đạt 713.678 tấn, tương đương 258,91 triệu USD, giá trung bình 362,8 USD/tấn, tăng 20,2% về lượng, tăng 14,8% kim ngạch nhưng giá giảm 4,4% so với tháng 7/2022.
Achentina là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, chiếm 61,5% trong tổng lượng và chiếm 62,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước. Ngoài ra, nhập khẩu ngô từ thị trường Ấn Độ 8 tháng đầu năm 2022 đạt 677.287 tấn, tương đương 223,57 triệu USD, giá 330 USD/tấn. Nhập khẩu ngô từ thị trường Brazil 8 tháng đầu năm 2022 đạt 451.349 tấn, tương đương 150,43 triệu USD, giá 333,3 USD/tấn, chiếm trên trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Mông Cổ diễn ra tại Mông Cổ từ ngày 13 -16/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thăm, làm việc và ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun.
Tại buổi làm việc, ông Khayangaa Bolorchuluun cho biết năm 2022, Mông Cổ có tổng đàn 67,3 triệu gia súc. Lượng gia súc có thể khai thác thương mại hằng năm là trên 20 triệu con. Ngoài thịt, hằng năm Mông Cổ đạt sản lượng 10.000 tấn len cashmere dê, 37.000 tấn len cừu, hơn 1,3 triệu tấm da bò và ngựa. Chăn nuôi của Mông Cổ sử dụng phương thức chăn thả truyền thống có bản chất tự nhiên là hữu cơ. Do đó, sản phẩm thịt của Mông Cổ rất đặc biệt. Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun kỳ vọng hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Mông Cổ sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam và Mông Cổ còn rất nhiều tiềm năng để khai thác thế mạnh và thị trường của mỗi nước. Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và trái cây nhiệt đới. Trong khi Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi của Mông Cổ.