Giá lợn hơi kỳ hạn tháng 1/2024 (hợp đồng tham chiếu) trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên trong phiên thứ Ba (5/12) đã giảm 4% xuống 13.480 nhân dân tệ (1.885,68 USD)/tấn, ngày giảm thứ tư liên tiếp, do các nhà đầu tư ngày càng giảm giá những hợp đồng mua lợn trong năm mới.
Hợp đồng này đã giảm 37% kể từ đầu năm và đã giảm 10,1% trong tuần qua, xuống mức thấp kỷ lục mới chưa từng có kể từ khi mặt hàng này bắt đầu được giao dịch, 3 năm trước đây.
Việc một hợp đồng kỳ hạn tương lai giảm mạnh và kéo dài như vậy là điều chưa từng có tiền lệ.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn MySteel, giá lợn hơi tại Trung Quốc, vốn đã sụt giảm kể từ tháng 8, đã giảm xuống còn 14,2 nhân dân tệ/kg vào thứ Ba.
Các nhà phân tích cho biết, người chăn nuôi đang vật lộn với giá lợn thấp, chi phí cao và dịch tả lợn châu Phi bùng phát ngày càng tăng dẫn tới việc số đàn lợn bị tiêu hủy tăng mạnh trong những tuần gần đây, ngay cả khi nhu cầu vẫn yếu. Tiêu thụ tại thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới đã chậm lại do tăng trưởng kinh tế mờ nhạt và người tiêu dùng chuyển sang sử dụng protein lành mạnh hơn như thịt gia cầm.
Mùa đông ở Trung Quốc thường báo hiệu nhu cầu thịt lợn đạt đỉnh điểm khi người dân làm xúc xích và thịt muối trước Tết Nguyên đán, nhưng nhu cầu năm nay lại chậm. Giá lợn thấp và dòng tiền eo hẹp tại các trang trại có thể tiếp tục đẩy nhanh quá trình giết mổ lợn.
Giá lợn kỳ hạn tương lai vẫn ở mức dưới 16.000 nhân dân tệ/tấn cho đến tháng 7 năm 2024, tương đương 16 nhân dân tệ/kg, có nghĩa là nông dân dự kiến sẽ không kiếm được lợi nhuận cho đến nửa cuối năm sau.
Giá lợn lao dốc quá mạnh ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành mua thịt lợn dự trữ để chuẩn bị cho mùa nhu cầu cao điểm. Hôm 24/11, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã thông báo sẽ tiến hành mua và dự trữ thịt lợn vào các kho trung tâm lần thứ 3 trong năm nay.
Giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc trong năm nay đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với chi phí của những nhà sản xuất hiệu quả nhất thế giới, hiện tượng xảy ra lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, và chỉ trong ba tháng qua đã giảm 15% xuống còn 14,5 nhân dân tệ/kg.
Dự kiến, những khoản lỗ sẽ lớn hơn nữa trong năm tới, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi lợn của Trung Quốc chịu áp lực phải giảm đàn giống và bán bớt các trang trại, nhiều trang trại trong số đó đang bỏ trống.
Chăn nuôi lợn, giống như các lĩnh vực khác của Trung Quốc từ xây dựng nhà ở đến xe điện, trong những năm gần đây đã ưu tiên tăng trưởng và thị phần hơn là lợi nhuận, tạo ra thặng dư khiến giá lợn giảm và hiện đang lấn át nhập khẩu.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp nông nghiệp lớn đã và đang nhanh chóng hiện đại hóa ngành chăn nuôi này, nhưng đã mở rộng đàn lợn một cách mạnh mẽ đến mức, với nhu cầu hiện đang suy thoái, giá lợn của họ đang giảm, thua lỗ ngày càng gia tăng và nợ ngày càng tăng.
Những thách thức của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc càng gia tăng khi họ sản xuất lượng thịt lợn kỷ lục, một phần là kết quả của sự khuyến khích trong quá khứ từ Bắc Kinh - vốn lo ngại biến động giá lương thực và thúc giục mở rộng đàn lợn nái sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào cuối những năm 2010 đã giết chết một nửa số lợn của nước này.
Chỉ riêng công ty Muyuan đã tăng đàn lợn nái lên hơn gấp ba lần kể từ năm 2018, theo đuổi thị phần cùng với các công ty lớn khác và hiện có số lượng lợn nái nhiều gấp ba lần so với WH Group, công ty thuộc sở hữu của nhà sản xuất thịt hàng đầu nước Mỹ Smithfield Foods.
Các nhà phân tích của Hua'an Securities dự báo sản lượng lợn của Trung Quốc sẽ tăng 10% trong nửa đầu năm 2024. Điều đó diễn ra sau mức tăng 17% trong 9 tháng đầu năm nay tại 15 nhà chăn nuôi lớn niêm yết trên thị trường của Trung Quốc ngay cả khi họ báo cáo lỗ ròng tổng cộng 200 tỷ nhân dân tệ.
Trầm trọng hơn nữa, việc tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe - đặc biệt là giới trẻ và người dân thành thị - chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các thực phẩm khác.
Và chi phí để chống lại dịch bệnh đã tăng lên đáng kể, với dịch tả lợn châu Phi hiện đang lan rộng và là mối đe dọa thường trực đối với tất cả các trang trại.
Giá lợn ở Trung Quốc giảm sâu đang khiến một số nhà sản xuất lớn trong ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ USD/năm này đau đầu, trong đó riêng 10 nhà sản xuất hàng đầu đã ghi nhận mức nợ ròng tăng 13% tính từ đầu năm đến hết tháng 9 năm nay.
New Hope Liuhe, nhà sản xuất lớn thứ ba Trung Quốc và lớn thứ năm thế giới, đã bán hết các trang trại vào năm ngoái và vào tháng 7 đã nói với các nhà đầu tư rằng họ muốn bán nhiều hơn nữa, đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án nuôi gia cầm và sản xuất thực phẩm của mình. Hôm thứ Sáu vừa qua, họ nói với các nhà đầu tư rằng Công ty đã đạt được "một số tiến bộ" trên các mặt trận đó. Họ cũng cho biết đợt phát hành cổ phiếu tư nhân trị giá 7,35 tỷ nhân dân tệ được công bố vào ngày 30 tháng 11 sẽ giúp họ trả các khoản vay và kiềm chế nợ.
Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo ngành này sẽ thua lỗ nặng nề hơn vào đầu năm 2024 so với một năm trước và kêu gọi các nhà chăn nuôi lợn cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà chăn nuôi nhìn chung đang có tâm lý hy vọng chờ đợi thị trường suy thoái để sau đó sẽ thu được lợi nhuận khi giá cuối cùng phục hồi. Và điều đó đang làm tăng nguy cơ, không chỉ cho chính họ mà còn cho các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi ở nước ngoài, các công ty di truyền và thương mại thịt lợn toàn cầu đang gặp khó khăn.
Lyle Jones, giám đốc công ty Genesus Inc có trụ sở tại Mỹ, nơi cung cấp lợn giống cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, cho biết: “Tất cả đều phụ thuộc vào túi tiền của các công ty này sâu đến mức nào”.
Tham khảo: Refinitiv