Giá xăng tại Mỹ đã biến động mạnh trong vòng một năm qua. Ảnh: Reuters.
Theo New York Times, hỏi người Mỹ về tương lai của đất nước, về nền kinh tế và về tổng thống, mức độ lạc quan của họ thường lên xuống theo giá xăng.
Dĩ nhiên, giá nhiên liệu không thể quyết định triển vọng của một quốc gia. Nhưng các mô hình nghiên cứu chỉ ra sức mạnh của xăng dầu trong việc chi phối cách người Mỹ nghĩ về hoàn cảnh cá nhân, về nền kinh tế và thậm chí rộng hơn là về tình hình quốc gia.
Niềm tin vào nền kinh tế của người Mỹ lao dốc vào đầu năm nay, thời điểm giá xăng tăng vọt. Nhưng xu hướng đã đảo ngược sau khi giá nhiên liệu hạ nhiệt.
Giá xăng tại Mỹ lập đỉnh vào mùa hè năm nay. Ảnh: New York Times.
Khi giá xăng tăng lên, tỷ lệ người Mỹ tin rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng giảm đi và ngược lại. Ảnh: New York Times.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào nền kinh tế cũng ngược chiều giá xăng. Ảnh: New York Times.
Sức mạnh của giá xăng
Năm 2022 là một năm hỗn loạn của thị trường xăng ở Mỹ. Giá xăng trung bình toàn quốc đã đạt đỉnh hơn 5 USD/gallon vào tháng 6. Nhưng giá quay đầu giảm trong tháng 9.
Trên thực tế, giá xăng ảnh hưởng đến cách người Mỹ mua sắm và chi tiền cho những nhu cầu khác. Chúng định hình hành vi du lịch trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, giá xăng thậm chí tác động đến việc người Mỹ muốn sử dụng phương tiện di chuyển nào và mua nhà ở đâu.
"Khi giá xăng lên xuống, nó sẽ kéo mọi thứ thay đổi theo", New York Times dẫn lời bà Mansoureh Jeihani - Giám đốc Trung tâm Giao thông Quốc gia tại Đại học bang Morgan - nhận xét.
"Khi giá tăng, như thể chúng ta không thể làm mọi thứ mình muốn", ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích xăng dầu tại GasBuddy, công ty theo dõi giá xăng trên toàn quốc - bình luận.
Khi giá tăng, như thể chúng ta không thể làm mọi thứ mình muốn
Ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích xăng dầu tại GasBuddy
"Nhưng khi giá giảm, các vị sẽ thấy như thể chúng ta có thể đi bất cứ đâu, ngắm nhìn mọi thứ và làm bất cứ điều gì", ông nói thêm.
Sức mạnh của giá xăng nằm ở sự phụ thuộc vào nhiên liệu, và tác động của giá xăng dầu tới mọi thứ trong nền kinh tế.
Đáng nói, người tiêu dùng biết giá xăng tăng hay giảm dù phải mua xăng hay không. Bởi giá luôn xuất hiện ở mọi con phố tại Mỹ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Và khi bước vào trạm xăng, người tiêu dùng sẽ phải đứng đó, nhìn hóa đơn nhích lên từng đồng một. Hãy tưởng tượng các vị phải trả tiền thuê nhà theo cách trả tiền mua xăng: 656 USD, 657 USD, 658 USD...
Theo ông Chris Severen, một nhà phân tích kinh tế tại Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) chi nhánh Philadelphia, ông và đồng nghiệp phát hiện ra rằng, những người bắt đầu lái xe vào thời điểm cú sốc xăng dầu những năm 1970 sẽ tiết kiệm xăng hơn trong suốt 20 năm tiếp theo của cuộc đời.
Đối với những người trẻ lần đầu lái xe, đây là lần đầu tiên họ phải mua một mặt hàng một cách thường xuyên. Thông qua xăng dầu, họ được tiếp xúc với "tiêu dùng", và rộng hơn là "nền kinh tế".
Khó thay thế
Một vấn đề khác nằm ở việc rất khó để thay thế xăng dầu. Khi một hàng hóa khác trở nên đắt đỏ, người tiêu dùng có thể mua chúng ít hơn hoặc thay thế bằng những sản phẩm khác.
Nhưng cách làm đó không thể áp dụng với xăng dầu. Đa số người Mỹ không thể đưa con cái đi học 4 ngày/tuần thay vì 5, hoặc nghỉ làm cho đến khi giá xăng giảm.
Khi giá xăng vọt lên mức kỷ lục tại Mỹ vào mùa hè này, những người tiêu dùng phải đổ xăng thường xuyên cảm thấy nền kinh tế dường như đang chệch hướng.
Khi giá xăng quay đầu giảm vào tháng 9, tỷ lệ người Mỹ cho rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng cũng tăng lên. Và mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống Joe Biden nhờ đó cũng cải thiện.
Các cuộc khảo sát khác trong năm nay cũng cho ra kết quả tương tự. Những chỉ số đo lường tâm lý người tiêu dùng, theo dõi niềm tin vào nền kinh tế, đã rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6. Đó cũng là lúc giá xăng đạt đỉnh. Nhưng tâm lý của người tiêu dùng đã đảo ngược theo giá xăng vào tháng 9.
Giá xăng không phải thước đo chính xác tuyệt đối cho sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Chẳng hạn, vào thời kỳ đầu của đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, còn giá xăng rơi tự do vì nhu cầu sụt giảm do các đợt phong tỏa chống dịch.
Nhưng trong nhiều thời kỳ, giá xăng cao và nền kinh tế ốm yếu song hành cùng nhau. Điều đó khiến nhiều người tin rằng hai yếu tố đó được đặt trong mối quan hệ nhân - quả.
Cuộc đại suy thoái là một trong những minh chứng tiêu biểu. Theo suy đoán của một số nhà kinh tế, trước khi giá nhà sụp đổ, giá xăng tăng cao đã đẩy các chủ nhà nợ nần vào cảnh vỡ nợ và bị tịch thu nhà.
Trong thời kỳ đó, giá nhà lao dốc mạnh nhất ở những khu vực ngoại thành, nơi có chi phí đi lại cao hơn.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giá xăng cũng chi phối cách người Mỹ đánh giá tổng thống. Dựa trên dữ liệu từ những năm 1970, các nhà quan sát nhận ra giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tín nhiệm đối với tổng thống Mỹ, thậm chí vượt xa mức độ ảnh hưởng của những điều kiện kinh tế khác.