Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 13/10 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,8 USD, xuống còn 88,33 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 1,04 USD, xuống mức 93,58 USD/thùng.
Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư lo ngại về những tác động rủi ro ngày càng tăng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những chính sách đẩy lùi COVID-19 ở Trung Quốc lên nhu cầu nhiên liệu.
Ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.
Nhưng IMF cũng kêu gọi các Ngân hàng Trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát ngay cả khi các nhà đầu tư lo ngại các nhà hoạch định chính sách có thể gây ra suy thoái kinh tế mạnh bằng cách tăng chi phí đi vay quá nhanh và quá cao.
Thị trường dầu cũng đang bị áp lực bởi việc thắt chặt hạn chế COVID-19 ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết: “Các nhà chức trách Trung Quốc đang chỉ ra rằng sẽ không có bất kỳ sự nới lỏng nào trong chính sách COVID-19 tại Trung Quốc, đã làm trầm trọng thêm tình hình nhu cầu”.
Về nguồn cung, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính đã tăng 1,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/10 sau khi giảm hai tuần trước đó, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy.
Mặt khác, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (Tổ chức OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 lần thứ tư kể từ tháng 4 và cũng cắt giảm con số của năm tới với lý do các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sự hồi sinh của các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Trung Quốc và lạm phát cao.
Tổ chức OPEC cho biết trong một báo cáo hàng tháng, nhu cầu dầu sẽ tăng 2,64 triệu thùng/ngày hay 2,7% vào năm 2022, giảm 460.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Năm tới, OPEC dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng 2,34 triệu thùng/ngày, thấp hơn 360.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
OPEC+ đã tăng sản lượng dầu trong phần lớn thời gian của năm nay để giải phóng mức cắt giảm kỷ lục được đưa ra vào năm 2020. Quyết định của tổ chức vào tháng 9/2022 kêu gọi tăng 100.000 thùng/ngày trong mục tiêu sản lượng của nhóm, trong đó khoảng 64.000 thùng/ngày là từ 10 quốc gia OPEC tham gia.
Báo cáo cho thấy sản lượng của OPEC tăng 146.000 thùng/ngày lên 29,77 triệu thùng/ngày trong tháng 9, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nigeria.
27 quốc gia EU đang lên kế hoạch cho động thái tiếp theo để kiềm chế giá năng lượng tăng vọt và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hóa đơn tăng cao, khi châu Âu bước vào mùa đông khan hiếm khí đốt của Nga, khủng hoảng giá cả sinh hoạt và mối đe dọa suy thoái đang rình rập.
Với giá khí đốt cao hơn gần 90% so với một năm trước, hầu hết các nước EU muốn có một mức trần giá khí đốt nhưng không đồng ý về đề xuất hiện tại. Một số quốc gia, bao gồm Đức, phản đối mức trần giá khí đốt rộng rãi, lo ngại nó sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn cung từ các thị trường toàn cầu trong mùa đông này.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 13/10 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.292 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.007 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.187 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.820 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.094 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 11/10. Giá xăng tăng 560 đồng/lít, giá dầu tăng hơn 1.000 đồng/lít, riêng dầu mazut ổn định so với giá bán hiện hành.
Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng, 12 lần giảm, và một lần giữ nguyên.