Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong tháng 9/2022 giảm mạnh, với tỷ lệ xấp xỉ -30%.
Cụ thể, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9/2022 làm thủ tục qua cảng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực III đạt 170.820 tấn, kim ngạch 164,706 triệu USD, giảm 28,82% về lượng và giảm 33,39% về trị giá.
Trong đó, xăng giảm mạnh nhất, với 64.600 tấn, kim ngạch 58,5 triệu USD, giảm 50,65% về lượng và 50,5% về trị giá. Dầu DO ít giảm hơn (giảm 7,93%), trong khi dầu FO lại tăng, từ 120% – 130%.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2022 cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch hơn 616 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về trị giá, so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu, đạt kim ngạch hơn 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá, so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù sản lượng và kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong tháng 9 giảm nhưng tính chung 9 tháng năm 2022 vẫn tăng cao so cùng kỳ. Theo đó, xăng dầu các loại có kim ngạch nhập khẩu đạt 3,33 tỷ USD, tăng hơn 136% so với cùng kỳ 2021.
Điều này cho thấy, lượng xăng dầu và đặc biệt là mặt hàng xăng nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 9, chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Đây cũng được cho là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM và nhiều địa phương lân cận trong mấy ngày qua, khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết vì thiếu nguồn cung nên không có nhiên liệu để bán ra.
Kết quả khảo sát, kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM cũng đưa ra nhận định tương tự, theo đó tình trạng hàng chục cửa hàng ngưng bán xăng trong mấy ngày vừa qua hầu hết do thiếu nguồn cung.
Còn theo lý giải của Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Bộ này cũng cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu.
Cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực III luôn tìm tạo điều kiện, bao gồm cả tăng ca, làm ngoài giờ để thông quan nhanh nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tính đến tối 10/10/2022, trên địa bàn TP.HCM đã có 05 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động và 121 cửa hàng treo bảng tạm hết hàng. Hầu hết các điểm bán lẻ tại các cây xăng đều trong tình trạng “chờ nhập hàng”, chờ đơn vị cung cấp xăng dầu…
Ngày 10/10/2022, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3680/UBND-KT gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu đột ngột và cục bộ trong mấy ngày gần đây cũng khiến dư luận nghi vấn có thể có tình trạng găm hàng chờ tăng giá ở một số đơn vị nhập khẩu, đơn vị cung ứng xăng dầu hay không?.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện mỗi lít E5 RON 92 không quá 20.732 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 21.443 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu chiều ngày 11/10/2022, xăng RON 95 và E5 RON 92 đã tăng trở lại, với mức tăng 560.000 đồng/lít, trong khi dầu tăng từ 1.400 – 1.960 đồng/lít.