Theo phân tích của các chuyên gia, việc Google hợp nhất hai bộ phận nghiên cứu AI là Brain và DeepMind được coi là một cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp lớn. Trí tuệ nhân tạo đã và đang định hình lại doanh nghiệp và các công ty công nghệ cũng tăng tốc phát triển để cạnh tranh vị trí dẫn đầu.
DeepMind là công ty khởi nghiệp AI được Google mua lại vào năm 2014 với giá khoảng 500 triệu USD. Theo hồ sơ của công ty, công việc nghiên cứu và phát triển của DeepMind cho Alphabet đã mang lại doanh thu 1,7 tỷ USD vào năm 2021. Trong tháng 2/2023, Alphabet cũng bắt đầu đưa các hoạt động của DeepMind vào chi phí doanh nghiệp trong báo cáo thu nhập của mình, thay vì ghi vào “những khoản đầu tư khác".
Sau khi hợp nhất hai bộ phận, đồng sáng lập kiêm CEO DeepMind Demis Hassabis sẽ lãnh đạo bộ phận và trưởng bộ phận nghiên cứu Brain Jeff Dean đóng vai trò nhà nghiên cứu chính, quản lý “các chương trình công nghệ chiến lược và quan trọng nhất liên quan tới AI”.
Trả lời về việc làm trên, CEO Google Sundar Pichai cho hay: “Việc gắn kết các tài năng vào một nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp, được hỗ trợ bởi tài nguyên máy tính của Google, sẽ đẩy nhanh tiến độ của chúng tôi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo một cách đáng kể”.
Ngoài ra, trong một văn bản ghi nhớ được phát hành nội bộ, ông Sundar Pichai đã nêu rõ hơn về nhiệm vụ của từng người sau khi hai bộ phận Brain và DeepMind hợp nhất: “Với tư cách là Giám đốc điều hành của bộ phận mới, Demis Hassabis sẽ lãnh đạo việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo nói chung có khả năng và trách nhiệm nhất của chúng tôi, nghiên cứu cung cấp năng lượng cho các sản phẩm và dịch vụ thế hệ tiếp theo. Jeff Dean sẽ là nhà nghiên cứu chính của Google, phụ trách báo cáo mọi chuyện với tôi. Với vai trò này, anh ấy sẽ là nhà nghiên cứu chính tại cả Google Research và Google DeepMind. Dean sẽ giúp chúng tôi xác định hướng nghiên cứu AI trong tương lai và dẫn dắt các dự án kỹ thuật chiến lược và quan trọng nhất của chúng tôi về AI, dự án đầu tiên sẽ là một loạt các mô hình AI đa phương thức mạnh mẽ”.
Các công ty công nghệ như Google hay OpenAI đã và đang chạy đua để xây dựng các thuật toán AI lớn hơn bao giờ hết, được gọi là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Các chương trình này đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như tóm tắt các tài liệu phức tạp và tham gia vào các tương tác giống như đối thoại giữa con người với con người.
Google đã đi tiên phong trong nhiều công nghệ mở đường cho sự bùng nổ của các mô hình này trong thời gian gần đây. Nhưng công ty phần lớn đã từ chối công khai các chương trình tạo văn bản và hình ảnh mạnh mẽ nhất của mình, với lý do cần phải kiểm tra độ chính xác và các dấu hiệu sai lệch của các công cụ này.
Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal mới đây, CEO Google đã chia sẻ rằng, ông rất mong đợi vào sự hợp tác của Brain và DeepMind trong tương lai. "Tôi kỳ vọng sẽ có sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai đội, bởi vì một số công việc đòi hỏi sức mạnh tính toán cao hơn, vì vậy điều quan trọng là phải làm việc cùng nhau ở một quy mô nhất định. Tôi tin rằng việc mang những tài năng tốt nhất đến với nhau sẽ giúp cho chúng tôi đạt được những bước đột phá mới”, ông nói.
Google hiện đang nỗ lực cải thiện hiệu quả và tăng tốc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong tháng 1/2023, công ty mẹ Alphabet đã công bố đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty và cho biết họ sẽ giới hạn tiền thưởng cho giám đốc điều hành trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Mới đây, OpenAI đã ra mắt phiên bản mới nhất của mô hình trí tuệ nhân tạo GPT-4, được tuyên bố là mạnh hơn và có thể dự đoán chính xác hơn các phiên bản trước. Đồng thời, Google cũng mở ra một trong những thuật toán AI lớn nhất của mình, Mô hình Ngôn ngữ Đường dẫn (PaLM) cho các nhà phát triển. Do cần có tài nguyên máy tính khổng lồ để xây dựng và chạy các thuật toán AI quy mô lớn, phần lớn công việc tập trung vào các công ty công nghệ lớn. Theo Wall Street Journal, Microsoft đã đầu tư ít nhất 13 tỷ USD vào OpenAI, phần lớn để phát triển các chương trình như GPT-4.
Alphabet từ lâu đã vận hành Brain và DeepMind như những công ty riêng biệt, mặc dù chúng có sự chồng chéo đáng kể trong một số lĩnh vực nghiên cứu AI. Thiết lập này đôi khi tạo ra căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo khi các nhóm cạnh tranh để giành tài nguyên. Christopher Manning, giám đốc phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford, cho biết việc sáp nhập sẽ đánh dấu một "sự thay đổi đáng kể" trong cách cộng tác của các nhà nghiên cứu AI của Google, vì Brain và DeepMind có hai nền văn hóa doanh nghiệp rất khác nhau.
“Về mặt chiến lược, sự kết hợp của hai đội có vẻ như là một bước đi thông minh. Nhưng về mặt chiến thuật, sẽ rất khó để đối phó với những thay đổi về tổ chức và văn hóa”, Christopher Manning nói.
Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, Google đã chuyển những tiến bộ công nghệ trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thành các sản phẩm tiêu dùng. Tháng trước, Google đã phát hành bản dùng thử của chatbot có tên Bard mà họ dự định cung cấp dưới dạng một dịch vụ độc lập.