Không nên bỏ lỡ “thời cơ vàng”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định rằng, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. Tại Ấn Độ, quốc gia có lượng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - vào cuối tháng 7/2023 đã ra lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường. Sau Ấn Độ một số quốc gia khác như Nga, UAE cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Động thái của các nước nói trên đã đẩy giá gạo toàn cấu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong phiên giao dịch ngày 1/8/2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh 20 USD/ tấn so với phiên ngày 31/7, lên mức 588 USD/tấn với gạo 5% tấm và 568 USD/tấn với gạo 25% tấm. Không chỉ gạo Việt Nam, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng được đẩy lên mức 623 USD/tấn với gạo 5% tấm.
Với tình hình này, GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định: Giá gạo trên thế giới sẽ còn tăng. Đây là thời cơ vàng cho chúng ta và Việt Nam phải tận dụng để xuất khẩu gạo nhiều hơn với giá cao hơn nữa.
Thực tế, thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 tổ chức chiều 1/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nói rằng đây là thời cơ cho chúng ta, nếu không chớp thời cơ, chúng ta sẽ bị lỡ. Và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh hiện nay của sản xuất lúa gạo thế giới.
Tận dụng để nông dân có cơ hội thoát nghèo bền vững
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, về nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường trong nước chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.
Chỉ ra nguyên nhân, ông phân tích: Cách chúng ta bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn. Cụ thể đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia (ở đây là vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên. Như vậy, chúng ta sẽ có dư lúa ở vùng giữa biên giới Campuchia với bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng này hiện đang được canh tác 3 vụ lúa mỗi năm. “Về mặt sản xuất nông nghiệp chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam”- GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Không chỉ tận dụng cơ hội trong thời điểm này, ông cũng nhận định rằng biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục. Do đó Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân “bớt khổ” còn doanh nghiệp cũng là cơ hội để thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.
“Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và bàn bạc với địa phương làm vùng nguyên liệu, còn người nông dân cũng sẽ thấy không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có người mua với giá tốt”- GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, ông đề xuất: Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Về phía người dân, phải hợp hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp.