Tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã đón tiếp khoảng 889.000 lượt khách du lịch nước ngoài, tăng gần 600% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, trong quý I năm nay, lượng khách du lịch từ các nước Đông Nam Á đạt tổng cộng 277.624 lượt, nhiều hơn gấp 5 lần so với lượng khách đến từ Trung Quốc.
Ảnh hưởng từ làn sóng Hallyu đang thu hút ngày càng nhiều du khách từ khu vực này đến xứ sở kim chi.
Ảnh hưởng từ văn hóa Hàn Quốc
Văn hóa Hàn Quốc nói chung hay Kdrama và Kpop nói riêng là lý do chủ đạo khiến phần đông du khách Đông Nam Á đến thăm quốc gia này.
Theo SCMP, Myeong-dong, khu mua sắm sầm uất nhất ở thủ đô Seoul, đang chứng kiến sự tăng vọt của du khách nước ngoài kể từ sau đại dịch bùng phát.
Doanh số bán hàng trong tháng 3 tại chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc Olive Young tăng 29 lần so với cùng tháng năm ngoái nhờ vào du khách nước ngoài. Dữ liệu của công ty này cũng cho biết thêm phần lớn doanh thu trên đến từ các du khách Đông Nam Á.
"Chúng tôi yêu Kpop", Sri Nuryati, một du khách trẻ người Indonesia hào hứng trả lời Korea Times. Nữ du khách này cùng người bạn của mình đang lựa những đôi tất có in hình các thần tượng.
Nuryati kể rằng du lịch đến Hàn Quốc là giấc mơ của cô trong nhiều năm. Cô muốn được đến trải nghiệm tại đất nước sản sinh ra thần tượng yêu thích của mình.
Theo Korea Times, các chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ tại Myeong-dong chia sẻ rằng khách du lịch từ Đông Nam đã lấp đầy khoảng trống mà du khách Trung Quốc để lại.
"Hơn một nửa khách hàng ghé tiệm của tôi là người Đông Nam Á", ông Kwon Jeong Sook, chủ cửa hàng băng đĩa, cho hay. Hơn 40 năm điều hành cửa hiệu, người đàn ông này đã nhìn thấy sức ảnh hưởng to lớn của làn sóng Hallyu đến các quốc gia khác như thế nào.
"Đầu tiên là Nhật Bản với sự nổi tiếng của Trái tim mùa thu hay Bản tình ca mùa đông. Sau đó, sự thành công của các nhóm nhạc thần tượng kéo theo những khách hàng Đông Nam Á đến đây", ông Kwon chia sẻ.
Hai vị khách đến từ Malaysia - Tira và Yunlee - lại cho biết Hàn Quốc đang là xu hướng "thời thượng" ở đất nước họ. "Tôi nghĩ những nội dung trên mạng xã hội đã ảnh hưởng đến giới trẻ rất nhiều. Ngay cả khách sạn của chúng tôi cũng chật kín khách từ các nước Đông Nam Á", Yunlee trả lời Korea Times.
Thích nghi để phục vụ du khách
Tại các khu mua sắm ở Seoul, những người bán hàng bắt đầu sử dụng ngoại ngữ để chào mời các du khách đến từ các nước Đông Nam Á.
Một nhân viên cửa hàng chia sẻ "Trước đây, du khách Đông Nam Á khá do dự khi rút hầu bao cho những món đồ có giá hơn 30.000 won. Nhưng bây giờ, họ sẵn sàng chi bất cứ thứ gì với hơn giá 50.000 won".
Hôm 3/5, Công ty Xử lý Thanh toán Hàn Quốc cho biết du khách Việt Nam là những người chi tiêu mạnh tay nhất với gần gần 200.000 won cho một lần quẹt thẻ.
Một số nhãn hiệu tại xứ sở kim chi đã nhanh chóng thay đổi để tiếp cận thị trường tiềm năng này. Hãng mỹ phẩm Missha đã dựng lên một khu trưng bày sản phẩm trong cửa hàng dành riêng cho khách hàng Đông Nam Á.
Nhằm lôi kéo một số du khách theo đạo Hồi, vài nhà hàng cũng đã bắt đầu cung cấp thức ăn không có thịt lợn và không phục vụ thức uống có cồn. Những nhà hàng chuẩn halal như thế này luôn được đặt kín chỗ ngay cả sau giờ trưa.
Theo Korea Economic Daily, các mặt hàng điện tử là món đồ được khách du lịch Đông Nam Á săn đón nhiều nhất ở Hàn. Các điện thoại cũ của Samsung có giá 100.000-200.000 wo, được nhiều khách hàng yêu thích.
Nguyễn Thị Thủy, nhân viên người Việt tại trung tâm thương mại I'Park Mall ở Yongsan, cho hay điện thoại cũ bán tại Hàn rẻ hơn khoảng 20%, chất lượng tốt hơn so với hàng xách tay.
Việc nới lỏng các hạn chế do dịch bệnh và cải thiện cấp thị thực cho du khách đã giúp Hàn Quốc thu hút số lượng lớn khách du lịch ngoại quốc.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, du khách từ các nước Đông Nam Á dần vượt qua du khách Trung Quốc để trở thành thị trường du lịch chủ lực tại Hàn Quốc.